Trong những năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch COVID-19, nhưng với sự quyết tâm, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng được triển khai quyết liệt, nghiêm túc và kịp thời; cơ bản hoàn thành việc ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV ngay trong năm đầu nhiệm kỳ.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 19 nghị quyết chuyên đề, 2 nghị quyết năm và nhiều chỉ thị, chương trình hành động, đề án, kế hoạch quan trọng như: Nghị quyết về đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030... Đồng thời, chỉ đạo các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện; chỉ đạo đến các cấp ủy, tổ chức Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị.
Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: T.D
Để việc ban hành nghị quyết bảo đảm tính hiệu quả, thực chất, khả thi; trước khi ban hành dự thảo nghị quyết, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc hướng dẫn, kiểm soát chặt chẽ quy trình ban hành nghị quyết, chương trình hành động; thành lập các tổ thẩm định nghị quyết, đề án; đổi mới công tác tham vấn, xin ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, các vụ, viện, ngành trung ương; tổ chức lấy ý kiến Đảng đoàn HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan; đổi mới chất lượng giám sát, phản biện của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên Mặt trận; tăng cường khảo sát, phân tích, nắm tình hình cơ sở... bảo đảm tính khoa học, toàn diện, thực tiễn và khả thi cao trước lúc trình Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến và xem xét ban hành.
Cùng với việc đổi mới xây dựng và ban hành nghị quyết, việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền được xác định là khâu đầu tiên, quan trọng để sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Sau khi ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo nghiên cứu, học tập, quán triệt đến các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, việc quán triệt, học tập nghị quyết được triển khai kịp thời, nghiêm túc, linh hoạt, đa dạng như: Hội nghị trực tiếp, trực tuyến, qua mạng xã hội... giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, đối tượng được triển khai rộng hơn, nhanh hơn. Sau học tập, quán triệt, tổ chức viết thu hoạch nghiêm túc; ngoài ra còn tổ chức Hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; qua đó tạo không khí sôi nổi, góp phần lan tỏa sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Năm 2022, Tỉnh ủy ban hành 2 đề án, chỉ thị về “Đổi mới việc ban hành, quán triệt, học tập, triển khai thực hiện và sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng”, “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh trong tình hình mới”.
Công tác kiểm tra, giám sát ngày càng được chú trọng, tổ chức giám sát chặt chẽ việc thể chế hóa nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy, tổ chức Đảng. Thường trực Tỉnh ủy đã sớm tổ chức làm việc với các đảng bộ, địa phương, đơn vị để kịp thời nắm bắt tình hình, rà soát, chấn chỉnh, đôn đốc và định hướng việc tổ chức triển khai nghị quyết. Trong đó, yêu cầu việc xây dựng nghị quyết, chương trình hành động của cấp dưới phải phù hợp và cụ thể hóa được tinh thần nghị quyết, chương trình hành động của cấp trên; bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, sát với tình hình của từng địa phương, đơn vị; khắc phục tình trạng ban hành nghị quyết, chương trình hành động chung chung, không phù hợp, không cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của cấp trên đề ra. Thành lập các đoàn, tổ kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng; giao các ban, ngành chức năng tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung thực hiện để tham mưu Thường trực Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh nếu chưa đảm bảo yêu cầu.
Tp. Phan Rang - Tháp Chàm ngày càng khang trang. Ảnh: V.Nỷ
Đổi mới phương thức làm việc hiệu quả, khoa học, tiết kiệm; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Triển khai phần mềm E-Office, chữ ký số nhằm phục vụ tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng. Kể từ ngày 1/6/2021 tất cả các tài liệu cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy triển khai không dùng giấy (trừ tài liệu mật, nội bộ); nhiều cuộc họp tổ chức trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở, nhất là học tập, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, hội nghị báo cáo viên, hội nghị chuyên đề... Chỉ đạo xây dựng và triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Đảng tỉnh, Mặt trận, đoàn thể, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; kể từ ngày 2/9/2022, Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, các cổng thành phần chính thức vận hành và đi vào hoạt động, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, nghiên cứu, tra cứu của các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai quyết liệt, nghiêm túc; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Để nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới việc ban hành và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng; đổi mới công tác học tập, quán triệt, sơ kết, tổng kết nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, nêu gương của cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; đẩy mạnh công tác dân vận, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, công việc..., qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020-2025.
Khắc Nguyên