Giải pháp điều tiết nước tưới đảm bảo sản xuất vụ mùa 2022 có hiệu quả

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, tính đến ngày 19-8, tổng dung tích 22 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh 256,18/414,29 triệu m3, đạt 61,8% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 143,02/165 triệu m3, đạt 86,7% dung tích thiết kế, lưu lượng nước vào hồ 22,15 m3/s và lưu lượng xả qua nhà máy 16,9 m3/s. Căn cứ vào lượng nước ở các hồ chứa, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất vụ mùa 2022 chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện đảm bảo đúng theo các nội dung đề ra.

UBND tỉnh giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh điều tiết cấp nước tưới cho 25.086,76 ha; trong đó, cây lúa 14.744,19 ha, cây màu10.327,14 ha, thủy sản: 15,43 ha. Cụ thể, đối với các hệ thống đập dâng: Sông Pha, Nha Trinh - Lâm Cấm điều tiết cấp nước với tổng diện tích tưới là 12.492,81 ha; trong đó, cây lúa 7.877,52 ha, màu 4.615,29 ha. Đối với hệ thống thủy lợi Tân Mỹ điều tiết cấp nước tưới cho diện tích đất sản xuất thuộc kênh Chung và các tuyến kênh nhánh thuộc kênh chính của hệ thống với tổng diện tích tưới là 1.359,70 ha; trong đó, lúa: 447,85 ha, màu 907,14 ha, thủy sản 4,71 ha. Đối với các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh điều tiết cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở 19/21 hồ chứa với với tổng diện tích là 10.486,15 ha; trong đó, cây lúa 6.158,34 ha, màu 4.317,09 ha, thủy sản 10,72 ha. Riêng các đập thời vụ và trạm bơm trên sông tập trung điều tiết nước cho các đập thời vụ trên địa bàn huyện Thuận Bắc, Bác Ái và một số trạm bơm trên sông với tổng diện tích là 748,10 ha; trong đó, cây lúa 260,48 ha, màu 487,62 ha.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa 2022. Ảnh: Hồng Lâm

Ông Nguyễn Công Xưng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, cho biết: Kết quả tính toán cho thấy các hồ trên địa bàn tỉnh đảm bảo cấp đủ nước phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu và sản xuất nông nghiệp theo kế hoạch. Công ty đề ra giải pháp điều tiết nước hợp lý, như: Chủ động làm việc với Công ty Cổ phần Thuỷ điện Đa Nhim - HàmThuận - Đa Mi để thống nhất lưu lượng chạy máy phát điện đảm bảo cấp nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận trong vụ mùa. Thường xuyên theo dõi tình hình chạy máy của Nhà máy thủy điện Đa Nhim để phối hợp chặt chẽ với Nhà máy trong việc điều tiết nước hồ Đơn Dương thật chi tiết và hợp lý. Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 điều tiết nước hồ Sông Cái hợp lý, hiệu quả, đảm bảo nguồn nước cấp cho khu tưới đập dâng Tân Mỹ và hệ thống Nha Trinh - Lâm Cấm, tiếp nước cho khu tưới hồ Cho Mo, hồ Phước Trung và hồ Thành Sơn. Đối với các hệ thống đập dâng trên sông hưởng lợi trực tiếp từ Nhà máy thủy điện Đa Nhim thì tăng cường điều tiết tưới luân phiên giữa các đập dâng Sông Pha, Nha Trinh và Lâm Cấm và các cống lấy nước trên kênh Chính; vận hành hợp lý các cống lấy nước tại thủy khẩu để ưu tiên nguồn nước cấp cho Nhà máy nước Tháp Chàm và các khu tưới vùng cuối kênh. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn tới người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng nước tiết kiệm; thông tin kịp thời về kế hoạch điều tiết nước để người dân có kế hoạch lấy, sử dụng nước hiệu quả, tối ưu nguồn nước, đảm bảo đủ nước cung cấp cho sản xuất và dân sinh đến cuối năm 2022.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất vụ mùa, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đề nghị các địa phương chỉ đạo nông dân sản xuất đúng khung lịch thời vụ vụ mùa đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất, thời gian xuống giống từ ngày 25-8 đến 25-9, chậm nhất không quá ngày 5-10. Riêng đối với các xã trên địa bàn huyện Thuận Nam hưởng lợi từ nguồn nước của các hồ chứa Tân Giang, Sông Biêu, Bầu Ngứ, Suối Lớn, CK7, Núi Một và các xã Phước Hữu, Phước Dân (Ninh Phước) thời gian gieo sạ lúa sớm hơn so với vụ mùa chính vụ khoảng 10-15 ngày, cụ thể ngày 10-8 đến 10- 9, chậm nhất không quá ngày 25-9.

Công ty cũng đề nghị các địa phương quan tâm, chỉ đạo các địa phương trực thuộc tổ chức nạo vét, khai thác và quản lý tốt các kênh nội đồng đã được phân cấp cho địa phương quản lý, đặc biệt là các tuyến kênh liên xã, phường, tránh tình trạng các đơn vị không tổ chức quản lý, nạo vét hoặc nạo vét không triệt để gây khó khăn cho việc lấy nước phục vụ sản xuất cho nông dân. Đồng thời, duy trì, củng cố Tổ hợp tác dùng nước (PIM) để phối hợp chặt chẽ với Công ty điều tiết nước luân phiên các kênh nội đồng.