Trung Quốc dùng công nghệ mưa nhân tạo trong ứng phó hạn hán

Ngày 6/9, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết nước này đã sử dụng công nghệ mưa nhân tạo kể từ tháng 8 năm nay nhằm giúp nhiều vùng ứng phó với hạn hán.

Phát biểu họp báo, quan chức CMA Zhao Zhiqiang nêu rõ kể từ ngày 1 - 31/8 vừa qua, đã có 75 chuyến bay được thực hiện với tổng thời gian 211 giờ để làm mưa nhân tạo ở các khu vực bị ảnh hưởng do hạn hán, trong đó có tỉnh Hồ Bắc, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Hà Nam và Thiểm Tây.

Các hoạt động làm mưa nhân tạo có sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến như vệ tinh khí tượng, radar thời tiết và máy bay không người lái ước tính tạo mưa trên diện tích 1,45 triệu km2, đồng thời đóng một vai trò quan trọng giảm bớt tình trạng khô hạn và nhiệt độ cao, cũng như tăng các nguồn dự trữ nước và ổn định sản xuất nông nghiệp.

Quan chức CMA cho biết thêm việc làm mưa nhân tạo còn giúp dập tắt các đám cháy rừng do thời tiết nắng nóng tại Trùng Khánh và tỉnh Tứ Xuyên.

Trung Quốc đã trải qua một mùa hè và tháng 8 nắng nóng chưa từng có kể từ năm 1961, thời điểm nước này bắt đầu thu thập các dữ liệu về khí tượng. Theo Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc (NCC), nhiệt độ trung bình từ ngày 1/6 - 31/8 vừa qua là 22,4 độ C, cao hơn 1,2 độ C so với nhiệt độ cùng kỳ những năm trước và là mức cao nhất kể từ năm 1961.

NCC công bố báo cáo cho biết 267 trạm đo thời tiết trên cả nước ghi nhận các mức nhiệt cao kỷ lục trong tháng trước. Ngoài ra, tháng 8 vừa qua cũng là tháng khô hạn nghiêm trọng thứ 3 tại Trung Quốc, với lượng mưa trung bình thấp hơn 23,1% so với mức thông thường.

Các nhà khoa học nhận định thường tiết cực đoan như nắng nóng gay gắt, hạn hán và các trận lũ quét đang xảy ra với tần suất dày đặc hơn và nghiêm trọng hơn do tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo TTXVN/Báo Tin tức