Chú trọng triển khai chương trình hợp tác khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thông qua chương trình hợp tác giữa Ninh Thuận với các bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, các ngành, các cấp, địa phương đã huy động nguồn lực, chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các đề tài, nhiệm vụ KH&CN, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Thực hiện chương trình hợp tác giữa Bộ KH&CN và UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở KH&CN đã tiếp nhận, tổng hợp 6 đề xuất nhiệm vụ cấp quốc gia. Các nhiệm vụ hợp tác xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của địa phương, giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, phục vụ tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đơn cử, đề tài Ứng dụng công nghệ tin học trong khai thác, quản lý và đề xuất định hướng quy hoạch năng lượng sạch nhằm bảo vệ môi trường và phát triển KT-XH bền vững tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Nghiên cứu lồng ghép chuyển đổi công nghệ và áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong phát triển năng lượng tái tạo tổng thể hướng đến phục vụ cho nhu cầu phát triển KT-XH vùng duyên hải Trung Bộ - thí điểm mô hình công viên năng lượng tại Ninh Thuận đã góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch của cả nước. Các nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp như: Ứng dụng công nghệ bề mặt tế bào trong sản xuất chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học giúp phòng và trị bệnh do vi nấm bệnh gây ra trên măng tây xanh tại tỉnh Ninh Thuận đã phục vụ tích cực cho việc phát triển các loại cây trồng lợi thể của Ninh Thuận...

Hội thảo quốc tế “Thúc đẩy công tác bảo tồn cheo cheo lưng bạc và hệ sinh thái rừng khô hạn ven biển của Việt Nam”. Ảnh: V.Nỷ

Không dừng lại đó, Sở KH&CN cũng đã tham mưu tổ chức tổng kết đánh giá chương trình hợp tác về KH&CN giữa UBND tỉnh Ninh Thuận và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam giai đoạn 2018-2022; ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn đến năm 2030. Trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực giám sát rạn san hô tại Việt Nam của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, UBND tỉnh đã chấp thuận tổ chức khóa tập huấn giám sát rạn san hô tại Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã bố trí kinh phí 900 triệu đồng để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu quy trình sản xuất thức ăn tươi Artemia bằng phương pháp từ tính phục vụ nuôi tôm giống trên địa bàn tỉnh.

Chương trình hợp tác KH&CN cũng đươc các sở, ngành, địa phương quan tâm thực hiện có hiệu quả. Tiêu biểu như: Ban Quản lý VQG Núi Chúa phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới khảo sát thu mẫu thực vật tại VQG Núi Chúa; Viện Sinh thái học miền Nam triển khai nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn cheo cheo lưng bạc; tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế FFI triển khai đề tài Nghiên cứu đặc điểm xã hội của loài voọc chà vá chân đen tại VQG Núi Chúa; đồng thời, hỗ trợ quản lý khu bảo tồn biển VQG Núi Chúa.

Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác KH&CN, ngày 13/9/2024, UBND tỉnh tổ chức ký kết hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ trên 4 lĩnh vực: Hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác về phát triển nông nghiệp - thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hợp tác phát triển công nghệ thông tin - truyền thông để quảng bá di tích lịch sử văn hóa, khu, điểm du lịch và các sản phẩm du lịch của tỉnh; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho giáo dục.

Thực hiện những nội dung hợp tác đã được ký kết, các sở, ngành liên quan tích cực phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Trường Đại học Cần Thơ được tiếp cận, cung cấp các thông tin, kinh nghiệm quản lý và hỗ trợ trong các hoạt động nghiên cứu khoa học. Đối với Trường Đại học Cần Thơ cũng đã có kế hoạch hỗ trợ Ninh Thuận khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá trong thời gian tới, trong đó quan tâm đến kết nối, quảng bá văn hóa, hình ảnh, tiềm năng, lợi thế và cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đặc thù của tỉnh có thế mạnh như: Năng lượng, du lịch chất lượng cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao.