Từ đầu năm 2024 đến nay, Sở KH&CN đã tổ chức theo dõi, quản lý 7 nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực bảo tồn nguồn gen, gồm: Bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực; bảo tồn, lưu giữ nguồn gen 14 giống xương rồng Nopal; thu thập, bảo tồn và khai thác nguồn gen cây nho phục vụ cho công tác chọn tạo giống, nghiên cứu khoa học và phát triển bền vững cây nho; bảo tồn nguồn gen nấm quế linh chi có nguồn gốc từ Vườn quốc gia Phước Bình; bảo tồn nguồn gen cây sa nhân; khai thác và phát triển nguồn gen mạn kinh tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số nguồn gen thanh thiên quỳ.
Một số nhiệm vụ khai thác, phát triển nguồn gen vật nuôi và cây trồng đã góp phần phục tráng, hoàn thiện việc đánh giá bổ sung một số đặc tính sinh học, sinh sản, dinh dưỡng, thương phẩm, phân bố và khả năng phát triển nhân rộng nguồn gen quý hiếm. Đối với phát triển nguồn gen vật nuôi, đáng kể là nhiệm vụ bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn gen bò tót lai F1 giữa bò cái nhà và bò tót đực đang tiếp tục được chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi sức khỏe, phòng trị bệnh cho quần thể đàn bò tót lai. Đàn bò tót lai hiện có 12 con, được Ban Quản lý Vườn quốc gia Phước Bình nuôi dưỡng, phát triển tốt, bò đực lai trọng lượng khoảng 450-500kg, nặng gấp hai lần so với bò nhà; một số con đã dần lộ 4 chân màu trắng, đặc điểm nhận dạng đặc trưng của bò tót.
Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ)
kiểm tra sự phát triển của cây từ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Ảnh: V.Miên
Công tác phát triển trực tiếp nguồn gen các loại cây trồng cũng được quan tâm, đã xác định và bình tuyển được một số giống cây trồng triển vọng phục vụ sản xuất. Cụ thể, tiếp tục theo dõi thu và thập số liệu tình hình sinh trưởng cây xương rồng Nopal. Xây dựng vườn sưu tập giống nho mới và lưu giữ, bảo quản, đánh giá các nguồn gen nho hiện có; đánh giá sơ bộ và chi tiết nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp nhằm phục vụ công tác chọn tạo giống mới; thử nghiệm các giải pháp nhân giống cho các mẫu giống nho được tuyển chọn, thiết lập và chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu về nguồn gen cây nho. Triển khai nhân giống trong phòng thí nghiệm và nuôi 2.000 phôi cho phát tán giống nấm quế linh chi, chuẩn bị vật liệu hoàn thiện quy trình sản xuất trà túi lọc và cao nấm. Tiến hành nghiên cứu xác định thời điểm thu hoạch dược liệu mạn kinh cho lượng hoạt chất cao nhất, khảo sát độc tính bán trường diễn của cao chiết mạn kinh và tác dụng kháng viêm mạn của cao chiết mạn kinh, nhân nuôi thành công tế bào ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi sẵn sàng cho đánh giá tác dụng của cao chiết.
Công tác nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen gần đây đã có chuyển biến tích cực. Ngành chức năng đã xác định và bình tuyển được nhiều giống cây trồng triển vọng để đưa vào sản xuất hàng hóa. Đơn cử, Vườn quốc gia Phước Bình đã tuyển chọn và nuôi cấy thành công nấm quế linh chi quý hiếm. Đây là loại nấm có giá trị cao về mặt thương phẩm, dược phẩm và y học. Đơn vị đã công bố các hoạt chất có giá trị dược liệu trong nấm quế linh chi và hoàn thiện được quy trình nuôi trồng là điều kiện để chuyển giao, nhân rộng mô hình sản xuất nấm cho người dân trong vùng. Việc phát triển, tăng cường hiệu quả sử dụng các nguồn gen vật nuôi góp phần cung cấp nguyên liệu di truyền phục vụ phát triển ngành chăn nuôi đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn nguồn gen.
Anh Tùng