Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng vụ mùa năm 2022

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng lượng nước 22 hồ chứa trên địa bàn tỉnh là 256,18/414,29 triệu m3, đạt 61,8% dung tích thiết kế; lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương 143,02/165 triệu m3, đạt 86,7% dung tích thiết kế, lưu lượng nước vào hồ là 22,15 m3/s và lưu lượng xả qua nhà máy là 16,9 m3/s.

Căn cứ dự báo tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước trữ tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh và hồ Đơn Dương, ngày 5-9-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cây trồng vụ mùa năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Theo Kế hoạch số 3832/KH-UBND của UBND tỉnh vừa ban hành, tổng diện tích sản xuất vụ mùa năm 2022 là 23.356,3 ha, trong đó: Cây lúa 12.547,5 ha; cây màu 10.808,8 ha và phân theo địa bàn cụ thể, gồm: Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 1.271,8 ha (lúa 900 ha, màu 371,8 ha); các huyện: Bác Ái 2.812 ha (lúa 701 ha, màu 2.111 ha); Ninh Sơn 7.002 ha (lúa 3.068 ha, màu 3.934 ha); Ninh Hải 2.079,5 ha (lúa 1.633,5 ha, màu 446 ha); Ninh Phước 5.556,4 ha (lúa 3.090 ha, màu 2.466,4 ha); Thuận Bắc 3.995 ha (lúa 2.873 ha, màu 1.122 ha); Thuận Nam 640 ha (lúa 282 ha, màu 358 ha).

Ngoài diện tích sản xuất đại trà, trong vụ mùa 2022, toàn tỉnh tiếp tục duy trì thực hiện 31 cánh đồng lớn với diện tích 4.241,3 ha; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng 202,8 ha, trong đó chuyển đổi đất lúa 139,5 ha và đất khác 63,3 ha; chuyển sang trồng cây ngắn ngày 171,2 ha và cây dài ngày 31,8 ha. Địa phương dự kiến có diện tích chuyển đổi trên đất lúa sang cây ngắn ngày nhiều nhất là huyện Ninh Sơn với 90 ha. Tiếp đến là huyện Bác Ái 60 ha, gồm: Chuyển đổi đất lúa 16 ha và đất khác 6 ha, chuyển sang cây ngắn ngày 20 ha và cây dài ngày 2 ha. Huyện Thuận Bắc 22 ha, gồm: Chuyển đổi đất lúa 16 ha và đất khác 6 ha, chuyển sang cây ngắn ngày 20 ha và cây dài ngày 2 ha. Huyện Ninh Phước 20,8 ha, gồm: Chuyển đổi đất lúa 12 ha và đất khác 8,8 ha, chuyển sang cây ngắn ngày 13 ha và cây dài ngày 7,8 ha. Huyện Thuận Nam chuyển đổi trên đất lúa, sang cây ngắn ngày 10 ha.

Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc cây mì. Ảnh: Kha Hân

Để đảm bảo sản xuất vụ mùa 2022 đạt hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương hướng dẫn thực hiện gieo trồng đúng khung lịch thời vụ và cơ cấu giống vụ mùa. Chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng và hướng dẫn nông dân thực hiện kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh giống, vật tư sản xuất nông nghiệp. Phối hợp với các địa phương triển khai kế hoạch sản xuất cánh đồng lớn đạt kết quả tốt; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hướng dẫn nông dân áp dụng kịp thời các biện pháp “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”,... nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông chủ động phối hợp với địa phương và các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong chuyển đổi vụ mùa nhằm đạt chỉ tiêu được giao trong năm. Xây dựng, nhân rộng mô hình, tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả. Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng chất cấm dùng trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản và thủy sản nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho người dân biết, tiếp cận; sử dụng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng đã được Sở NN&PTNT chuyển giao để chủ động đăng ký thực hiện chuyển đổi cây trồng vụ mùa năm 2022 phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đồng thời, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp, đại lý thu mua nông sản trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ bà con nông dân trong việc cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản. Phối hợp chặt chẽ với ngành NN&PTNT hướng dẫn, khuyến cáo nhân dân tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt, dứt điểm từng khu vực, xứ đồng theo lịch thời vụ. Đối với những vùng trũng, cuối kênh thường bị ngập úng khi xuất hiện lũ hoặc những khu vực thu hoạch vụ hè - thu muộn không kịp xuống giống vụ mùa có thể chuyển sang gieo trồng vụ đông - xuân 2022-2023 sớm để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả. Phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức rà soát, có giải pháp phù hợp duy trì hoạt động các tổ PIM để tổ chức quản lý, điều tiết nước tại từng cánh đồng, vùng sản xuất, tránh tình trạng các vùng sản xuất đầu nguồn thì lãng phí nguồn nước, dẫn đến nước không đủ phục vụ các vùng sản xuất cuối nguồn...

Đối với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi tình hình khí hậu, thời tiết, lượng mưa trong thời gian tới, đồng thời thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi thống nhất kế hoạch cấp nước từ nay đến cuối năm 2022 để phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh đảm bảo hiệu quả, phù hợp theo từng thời điểm. Thực hiện nạo vét các kênh, mương, gia cố các bờ đập, khơi thông dòng chảy, đảm bảo điều tiết nước nhanh và kịp thời cho sản xuất, điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng. Quán triệt đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo của nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi vụ mùa tại những nơi có khả năng thiếu nước. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố chủ động thực hiện điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, phù hợp với lịch sản xuất cụ thể đến từng khu vực, xứ đồng, tránh lãng phí nguồn nước.