Mặc dù HN bình quân chung của tỉnh hằng năm tuy có giảm, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc. Trong đó, tỷ lệ HN vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chiếm khá cao. Cụ thể, HN trên địa bàn huyện nghèo 30a (Bác Ái) có 3.173 hộ, chiếm 40,09%; hộ cận nghèo là 655 hộ, chiếm 8,28%; trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số là 3.149 hộ, chiếm 99,24%. Với mục tiêu thực hiện quả giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, HN vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống; ngày 7-3-2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 890/KH-UBND triển khai thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Chương trình giảm nghèo), với mục tiêu: Đưa tỷ lệ HN theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm từ 1,5-2%/năm; tỷ lệ HN dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; tỷ lệ HN ở huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngày 16-8-2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3572/KH-UBND về tăng cường truyền thông Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: A.Tuấn
Theo đó, về nội dung tuyên truyền cần tập trung vào mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giảm nghèo nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 29-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, cần đổi mới, thúc đẩy hiệu quả, chất lượng thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc ta đối với người nghèo; hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Tuyên truyền về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội...
Về hình thức tuyên truyền cần tổ chức đa dạng, phong phú, qua nhiều hình thức như: Trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp. Tổ chức các cuộc thi báo chí, thi văn hóa, văn nghệ; hội nghị, hội thảo; các cuộc vận động, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông lĩnh vực giảm nghèo đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; người làm công tác giảm nghèo. Tổ chức đối thoại về chính sách giảm nghèo với người dân nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình. In ấn, phát hành tờ rơi, tài liệu và các ấn phẩm, sản phẩm truyền thông tuyên truyền về Chương trình và chính sách giảm nghèo...
Để việc truyền thông về công tác giảm nghèo phù hợp với từng đối tượng, thành phần, từng cấp, ngành nắm vững, hiểu rõ các chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách, chương trình giảm nghèo để thực hiện đúng, kịp thời và hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, tham mưu tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc thực hiện kế hoạch; hằng năm báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch truyền thông về Chương trình giảm nghèo và gửi về Bộ LĐ-TB&XH tiến độ, kết quả thực hiện kế hoạch. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan báo chí, xuất bản đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền về Chương trình giảm nghèo bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp; chú trọng truyền thông các cá nhân, tập thể, mô hình điển hình, tiêu biểu trong công tác giảm nghèo. Lồng ghép hoạt động truyền thông về Chương trình giảm nghèo với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025. Triển khai hiệu quả các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả công tác truyền thông.
Cùng với đó, các sở, ban, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch cụ thể và đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả các hoạt động truyền thông về Chương trình giảm nghèo; tuyên truyền sâu rộng về Chương trình tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Đối với các sở, ban, ngành tham gia thực hiện Chương trình thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông về Chương trình, cần thực hiện hiệu quả chính sách, chương trình giảm nghèo. Tổng hợp, lồng ghép báo cáo công tác truyền thông, tuyên truyền trong báo cáo công tác giảm nghèo hằng năm của đơn vị và gửi về Sở LĐ-TB&XH để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh.
Đối với UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về Chương trình tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Bố trí nguồn lực và chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch truyền thông, lồng ghép với nội dung kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình. Hằng năm, tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch truyền thông về Chương trình và gửi về Sở LĐ-TB&XH. UBND tỉnh cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể cấp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong lực lượng đoàn viên, hội viên; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện Chương trình. Tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đóng góp nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững. Khuyến khích các doanh nghiệp giúp đỡ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; vận động các hộ khá giả giúp đỡ hộ nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình tốt, sáng kiến hay về giảm nghèo bền vững.
Linh Giang