Trong những tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, riêng tại huyện Ninh Sơn đã phát hiện nhiều trường hợp mắc SXH. Huyện Ninh Sơn đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế dịch phát sinh và lây lan trong cộng đồng.
Theo đồng chí Đoàn Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn: Số ca mắc SXH trên địa bàn huyện có chiều hướng gia tăng khi mưa đầu mùa đến sớm cộng với thời tiết nóng ẩm đã tạo điều kiện cho lăng quăng, bọ gậy phát triển mạnh. Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện chủ động phối hợp với các phòng, ban, xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXH, loại trừ ổ lăng quăng, bọ gậy, xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh, không để dịch bùng phát, kéo dài trên địa bàn.
Ninh Sơn tăng cường công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước, nơi lăng quăng, bọ gậy, muỗi phát triển và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Đảm bảo tất cả các khu vực, các hộ gia đình tại vùng có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát, xử lý các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế; đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, nhiều nhà trọ, các khu vực nhiều ao tù, nước đọng.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã phát hiện 29 ca mắc SXH. Trong đó, thị trấn Tân Sơn 7 ca, các xã: Lâm Sơn 13 ca, Quảng Sơn 2 ca, Nhơn Sơn 4 ca, Mỹ Sơn 2 ca và Ma Nới 1 ca. Y sĩ Trần Thị Mỹ Lệ, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Lâm Sơn cho biết: Trước tình hình dịch SXH có nguy cơ bùng phát tại địa bàn, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã triển khai phun hóa chất xử lý ổ dịch phòng, chống dịch SXH hai đợt với tổng số hộ được xử lý 298 hộ; tổ chức triển khai hoạt động diệt lăng quăng chủ động phòng, chống SXH hai đợt tại xã Lâm Sơn (3.444 hộ) và thị trấn Tân Sơn (2.999 hộ).
Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện còn tổ chức tập huấn về phòng, chống SXH cho các cán bộ y tế cơ sở; tăng cường công tác giám sát dịch tễ, giám sát các chỉ số vét tơ các ổ dịch cũ, các xã, thị trấn trọng điểm; tổ chức xử lý ổ dịch kịp thời, phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch. Đồng thời, tuyên truyền người dân khi có dấu hiệu mắc SXH cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà; các cơ sở y tế tư nhân chỉ được phép khám và điều trị ban đầu, không được để bệnh nhân lưu trú qua ngày tại cơ sở để tránh việc bệnh nhân trở nặng gây nguy hiểm đến tính mạng.
Thanh Thịnh