Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ, từ đầu năm tới nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận đã và đang quyết tâm đẩy nhanh tiến độ từng chương trình cho vay, đảm bảo đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Xác định rõ vai trò, tầm quan trọng về chính sách mới của Đảng, Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, từng bước lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm ổn định, hỗ trợ người dân sớm vượt qua khó khăn trước tác động tiêu cực của dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung phối hợp, triển khai toàn diện các nội dung theo nghị quyết đề ra. Cùng với đó, công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với cơ quan báo chí địa phương tăng thời lượng phát sóng, đăng tin bài phổ biến sâu rộng chủ trương, mục tiêu, ý nghĩa và các quy định của chính sách cho vay của Nghị quyết số 11/NQ-CP. Toàn bộ các hướng dẫn, quy định về mức vay, lãi suất, thời hạn vay vốn được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã trên toàn tỉnh để người dân dễ dàng nắm bắt, đăng ký vay vốn.
Em Tapur Thị Kim Thoa trang bị máy tính học tập từ nguồn vốn vay học sinh - sinh viên
theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, đến cuối tháng 7-2022, chỉ tiêu cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đã được trung ương giao là 222 tỷ đồng, với 5 gói tín dụng ưu đãi trong 2 năm 2022-2023. Ngay khi tiếp nhận vốn, NHCSXH tỉnh chỉ đạo phòng giao dịch ngân hàng các huyện nhanh chóng phối hợp với địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức rà soát đối tượng và tiến hành bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch. Tính đến ngày 30-7-2022, toàn chi nhánh thực hiện cho vay được 115.080 triệu đồng/2.676 hộ. Cụ thể: Giải ngân hỗ trợ tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm được 99.995 triệu đồng/1.995 lao động, đạt 100% kế hoạch giao; cho vay học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn mua máy tính học trực tuyến 7.180 triệu đồng/622 hộ, đạt gần 48%; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được 37 cơ sở/2.830 triệu đồng, hoàn thành 35,37%; cho vay nhà ở xã hội 5.075 triệu đồng/22 hộ, hoàn thành 25,37% kế hoạch giao. Riêng chương trình cho vay thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chi nhánh đang tiếp tục phối hợp với Ban Dân tộc, các ngành liên quan sớm báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết thông qua đề án để triển khai thực hiện.
Với giải pháp đồng bộ, bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, kết quả cho vay kịp thời, tạo sự phấn khởi cho người dân. Là một trong những hộ được tiếp cận vốn vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, anh Mai Hữu Mỹ, ở khu phố 9, thị trấn Phước dân (Ninh Phước), chia sẻ: Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các chính sách ưu đãi được triển khai thông qua NHCSXH thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với các hộ khó khăn như chúng tôi. Nhờ được vay vốn 50 triệu đồng từ gói hỗ trợ việc làm, giúp gia đình có tiền cải tạo lại vườn táo hơn 1 sào, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Hay gia đình em Tapur Thị Kim Thoa, ở thôn Ấn Đạt, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) vừa được giải ngân 10 triệu đồng từ vốn vay HSSV, giúp em có điều kiện trang bị máy tính học tập tốt hơn...
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP cũng còn khó khăn nhất định. Do thời gian triển khai rà soát đối tượng, xây dựng nhu cầu vay vốn gấp rút nên UBND cấp xã và một số ngành có liên quan chưa rà soát, xác định đối tượng kỹ lưỡng dẫn đến khi triển khai cho vay chậm; hiện nay, HSSV đã đi học trực tiếp, nên nhu cầu mua sắm thiết bị học tập trực tuyến không còn cấp thiết. Riêng về chương trình cho vay nhà ở xã hội, hiện các thủ tục của Dự án nhà ở xã hội Hacom GalaCity đang trình cho các bộ, ngành trung ương để xem xét, chưa phê duyệt nên dẫn đến tiến độ giải ngân chậm...
Theo ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc phụ trách NHCSXH tỉnh, với tinh thần khẩn trương, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP trong thời gian tới, đơn vị đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm cân đối bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng cường phối hợp với các ngành liên quan, chính quyền cơ sở rà soát cụ thể đối tượng thụ hưởng, nhất là đối với các chương trình cho vay đang có tỷ lệ giải ngân thấp. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ phát huy đúng mục đích.
Hồng Lâm