Nội dung văn bản nêu rõ: Bệnh Đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Đến ngày 30/7/2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 21 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 07 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhân ca bệnh xâm nhập.
Thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và Công văn số 4163/BYT-DP ngày 04/8/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; Để chủ động kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nội dung sau đây:
1. Sở Y tế:
- Theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin diễn biến tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế để chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp phòng, chống dịch, điều trị hiệu quả, kịp thời.
- Đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh (trong đó có cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, HIV/AIDS) và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp có triệu chứng, tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh; xử lý kịp thời ổ dịch, chăm sóc điều trị người mắc bệnh, hạn chế thấp nhất tử vong. Đặc biệt lưu ý ưu tiên bảo vệ lực lượng y tế, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng dễ bị tổn thương.
- Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng ngừa, chăm sóc, điều trị, phòng chống lây nhiễm bệnh Đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Sẵn sàng tổ chức thu dung, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh kịp thời, an toàn, hiệu quả và đảm bảo phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế, không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế.
- Xây dựng Kế hoạch đáp ứng về y tế với bệnh Đậu mùa khỉ; không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch.
- Cung cấp đầy đủ thông tin để các cơ quan truyền thông, Báo, Đài thực hiện truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.
- Hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị bệnh Đậu mùa khỉ.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế và các cơ quan liên quan trong việc phòng, chống dịch từ động vật sang người, đặc biệt là nhóm động vật có nguy cơ lây nhiễm cao với bệnh Đậu mùa khỉ.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch để người dân chủ động, tích cực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, thực hiện đúng quy trình khám và điều trị khi có dấu hiệu mắc bệnh.
4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế tham mưu bố trí nguồn kinh phí đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm khác phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng ngân sách của tỉnh.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Quán triệt, chỉ đạo thông suốt, quyết liệt, huy động các cấp, ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ tùy theo diễn biến tình hình dịch và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
- Phối hợp ngành Y tế giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng; phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý ổ dịch.
- Chủ động xây dựng Kế hoạch theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
- Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh Đậu mùa khỉ.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp, hỗ trợ Ngành Y tế trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các hoạt động phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Giao Sở Y tế hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện nội dung Công văn này; theo dõi, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Trường hợp có vấn đề phát sinh phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý./.
NT