Phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh

Ngày 5-8, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch số 3420/KH-UBND phát động phong trào thi đua “Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là phong trào thi đua Chuyển đổi số).

Theo đó, việc phát động phong trào thi đua nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số (CĐS) trong xã hội và hành động đồng bộ ở các cấp với sự tham gia của toàn dân thực hiện thắng lợi chương trình CĐS quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 thực hiện phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29-11-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.

Kho bạc Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận chuyển đổi số để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Ảnh: Văn Nỷ

Theo kế hoạch, phong trào thi đua CĐS được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, gồm các nội dung như: Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở về CĐS; nâng cao nhận thức về sự cần thiết và tính cấp thiết của CĐS, gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của CĐS với các nghị quyết, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Xây dựng chương trình, kế hoạch và đẩy nhanh tiến trình CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, xây dựng cơ chế chính sách của tỉnh nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho CĐS, thúc đẩy chính quyền số, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nền kinh tế số phát triển xã hội số.

Tích cực bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ số, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, người dân và doanh nghiệp; tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh. Ưu tiên đảm bảo nguồn lực để thực hiện các hoạt động CĐS.

Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS. Đẩy mạnh nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong tổ chức quản lý, phát triển KT-XH của tỉnh. Tích cực xây dựng và tạo lập dữ liệu mở phục vụ người dân, doanh nghiệp khai thác, truy cập, sử dụng, góp phần công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.

Tăng cường đảm bảo an ninh thông tin và an toàn dữ liệu, phòng, chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, điều hành chính quyền điện tử, kịp thời cảnh báo cũng như xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, chú trọng ưu tiên, đẩy mạnh thi đua CĐS ở một số lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, thương mại điện tử, năng lượng, tài nguyên và môi trường, doanh nghiệp, công nghiệp, du lịch, dân cư...

UBND tỉnh yêu cầu, phong trào thi đua CĐS phải được triển khai sâu rộng, đồng bộ, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng về hình thức, thiết thực và đạt hiệu quả; các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi việc thực hiện phong trào thi đua CĐS là nhiệm vụ trọng tâm, luôn song hành trong chỉ đạo, điều hành các hoạt động của đơn vị, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy nhanh tiến độ CĐS theo từng ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương; đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, doanh nghiệp trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào và phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá định kỳ hằng năm. Việc bình xét, lựa chọn và đề nghị khen thưởng phải được thực hiện từ cơ sở và đảm bảo tính dân chủ, công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định hiện hành.

Thông qua phong trào thi đua CĐS, kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong triển khai thực hiện chương trình CĐS nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh; từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, thực hiện hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh.