(NTO) Sáng ngày 7-6, UBND tỉnh đã phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo Phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 và đối thoại doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận. Tham dự có Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia cao cấp kinh tế và các chuyên gia kinh tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI). Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh
phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Văn Miên
PCI năm 2010 sử dụng một loạt các chỉ tiêu được nhóm lại thành 9 chỉ số thành phần bao gồm: Gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Theo đánh giá về chỉ số PCI của UBND tỉnh: năm 2005 chỉ số PCI tỉnh ta từ vị trí gần cuối nhóm có thứ hạng “thấp”, đến năm 2009, 2010 đã vươn lên nhóm “khá”. Theo công bố của VCCI và VNCI về chỉ số PCI của tỉnh ta năm 2010, trong 9 chỉ số thành phần của PCI, có 4 chỉ số cải thiện được điểm số và vị trí xếp hạng ở bậc cao hơn so năm 2009 gồm: tính minh bạch, đào tạo lao động, tính năng động của lãnh đạo tỉnh và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; có 5 chỉ số bị giảm điểm và có vị trí xếp hạng thấp so năm 2009 gồm: chỉ số gia nhập thị trường, chi phí thời gian, thiết chế pháp lý, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức. Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Chí Dũng, hội thảo đã nghe các chuyên gia kinh tế Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI; Lê Thu Hiền, phụ trách Chương trình PCI-Dự án VNCI và Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên viên cao cấp kinh tế gới thiệu chung về PCI, so sánh PCI của tỉnh ta trong phạm vi vùng, phân tích và bình luận về kết quả PCI năm 2010 của tỉnh ta.
Trong phần đối thoại doanh nghiệp, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, đại diện một số doanh nghiệp đã đề nghị làm rõ về nội dung chỉ số thành phần gia nhập thị trường, tác dụng của PCI trong thu hút đầu tư; những khó khăn, rào cản về vốn vay ngân hàng, nguyên liệu và cơ sở hạ tầng; đánh giá tác động đầu tư đối với môi trường; sự lãng phí lao động và minh bạch trong khai thác khoáng sản.
Các đồng chí chủ trì và chuyên gia kinh tế của VCCI đã giải thích rõ PCI chưa phải là căn cứ để thu hút đầu tư cao, nó còn phải phụ thuộc vào các yếu tố như lợi thế so sánh, vị trí địa lý, chất lượng nguồn nhân lực… Tuy PCI không phải là công cụ đánh giá toàn diện về năng lực canh tranh của nền kinh tế, nhưng luôn được các nhà đầu tư quan tâm tham khảo vì đây là công cụ đánh giá chất lượng điều hành nền kinh tế. Trong điều kiện lạm phát kinh tế hiện nay, để vượt qua khó khăn, tự tạo cơ hội, các doanh nghiệp chỉ còn cách phải tiết kiệm chi tiêu. Đặc biệt dù tập trung đầu tư phát triển nhưng luôn phải làm hết sức mình để bảo vệ môi trường, dù nó chưa được tính trong PCI. Hiện nay tỉnh ta đang có kế hoạch đào tạo nghề cho lao động để cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp, tăng cường kiểm tra việc khai thác tài nguyên khoáng sản theo mục tiêu chống thất thu và bảo vệ môi trường.
Bạch Thương