Thạc sĩ Nguyễn Công Vân - Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận
- Phóng viên: Được biết Vườn Quốc gia Phước Bình là vùng rừng có giá trị đa dạng sinh học cao của Ninh Thuận và khu vực Nam Trung Bộ, xin ông vui lòng cho biết những đặc trưng cơ bản của Vườn Quốc gia?
- Thạc sĩ Nguyễn Công Vân: Vườn Quốc gia Phước Bình được thành lập ngày 08/6/2006 theo Quyết định số 822/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Vườn Quốc gia Phước Bình có độ cao 200- 1.900m nằm trên địa bàn xã Phước Bình, huyện Bác Ái. Vườn có diện tích 19.814 ha trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 10.766ha; phân khu phục hồi sinh thái: 9.030 ha; phân khu dịch vụ, hành chính: 184 ha và 11.082 ha vùng đệm. Vườn Quốc gia Phước Bình được các nhà khoa học đánh giá là mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của Việt Nam đặc trưng cho rừng khô hạn của tỉnh Ninh Thuận. Là địa điểm lý tưởng trong nghiên cứu khoa học, bảo tồn và đa dạng sinh học ở cả 3 cấp độ: Đa dạng hệ sinh thái, đa dạng loài và đa dạng nguồn gen. Có nhiều loài đặc hữu của vùng bán đảo Đông Dương và Việt Nam, trong đó có một số loài đặc hữu của Ninh Thuận.
Trụ sở làm việc của Ban quản lý Vườn Quốc gia Phước Bình.
Qua hoạt động điều tra nghiên cứu, các nhà khoa học ghi nhận Vườn Quốc gia Phước Bình hiện có 327 loài động vật thuộc 94 họ, 28 bộ; trong đó có 69 loài quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới (IUCN). Nơi đây còn có quần thể gần 80 Bò tót sinh sống. Một số loài thú đang bị đe doạ trên toàn cầu như: Vượn má hung, Sơn dương. Phước Bình có các loài chim sinh sống như: Trĩ sao, trẹo cây mỏ vàng, khướu đầu đen má xám, khướu mỏ dài, hồng hoàng, sẻ thông họng vàng, là một trong 63 vùng chim quan trọng nhất của Việt Nam. Về thực vật hiện có 156 họ, 584 chi, 1.225 loài; trong đó có nhiều loài quý hiếm đang bị đe dọa ở cấp quốc gia và toàn cầu như: Pơ mu, thông lá dẹt, cẩm lai, giáng hương, gõ đỏ. Phước Bình là vùng rừng đầu nguồn sinh thủy, là lưu vực quan trọng của dòng Sông Cái cung cấp nước sản suất, sinh hoạt cho cư dân các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải và TP. Phan Rang- Tháp Chàm.
- Phóng viên: Qua 5 năm thành lập và phát triển, Vườn Quốc gia Phước Bình đã có những thành tựu gì nổi bật, thưa ông?
- Thạc sĩ Nguyễn Công Vân: Với đội ngũ cán bộ khoa học và nhân viên kỹ thuật gần 50 người, Vườn Quốc gia Phước Bình có nhiệm vụ quan trọng là bảo tồn và phục hồi tài nguyên thiên nhiên, phát triển hệ sinh thái tự nhiên. Bảo tồn các giá trị văn hoá và lịch sử cách mạng của đồng bào các dân tộc địa phương. Nghiên cứu khoa học kết hợp mở rộng các hoạt động dịch vụ khoa học, học tập và tham quan du lịch. Qua 5 năm thành lập và phát triển, Vườn Quốc gia Phước Bình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của lãnh đạo tỉnh, các cơ quan Trung ương, các ngành hữu quan, các tổ chức quốc tế và sự đồng thuận hỗ trợ tích cực của cán bộ, nhân dân địa phương. Đơn vị tiếp nhận tổng nguồn vốn đầu tư trên 17 tỉ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng của Vườn Quốc gia. Đơn vị thực hiện hiệu quả các chương trình hoạt động được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phòng chống cháy rừng; phục hồi sinh thái rừng; nghiên cứu khoa học; tuyên truyền bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên; hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội địa bàn vùng đệm; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật.
Du khách tham quan hệ sinh thái Vườn Quốc gia Phước Bình.
Đơn vị giao khoán 5.285 ha rừng cho 101 hộ và 2 tổ chức nhận bảo vệ theo Dự án 661/TTg và 3.000 ha cho 153 hộ nhận chăm sóc theo chương trình 30a của Chính phủ. Xây dựng và chuyển giao kỹ thuật 2 mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc với diện tích 10 ha giúp nông dân địa phương cải thiện điều kiện canh tác nâng cao thu nhập...
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đơn vị ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng. Tháng 1- 2007, đơn vị phối hợp với các tổ chức lâm nghiệp và Đoàn chuyên gia về lửa rừng của Cục Nông Lâm nghiệp Hoa Kỳ bước đầu đã nghiên cứu tác động lửa rừng tại Vườn Quốc Gia Phước Bình. Tháng 6- 2007, đơn vị phối hợp với Sở Khoa học- Công nghệ và Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu theo dõi đánh giá đa dạng sinh học các loài cây thân gỗ. Kết quả nghiên cứu này giúp đơn vị xây dựng 70 ô tiêu chuẩn thực vật với diện tích 400 m2 và 5 ô định vị với diện tích 1.000 m2. Phối hợp với cán bộ Văn phòng UBND tỉnh và Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh thực hiện đề tài nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 của một số trạng thái rừng tự nhiên tại vùng lõi và vùng đệm của Vườn Quốc gia. Phối hợp với Phân viện Điều tra Quy hoạch rừng Nam Bộ nghiên cứu một số loại động thực vật đặc trưng và sự đa dạng thực vật thân gỗ tại Vườn Quốc gia Phước Bình. Dự án nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ Vườn quốc gia do Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF) tài trợ đã thực hiện xong giai đoạn 1 và tiếp tục triển khai giai đoạn 2. Phối hợp Viện Sinh học Nhiệt đới thực hiện dự án: “Nghiên cứu xây dựng mô hình trình diễn quản lý và phát triển bền vững du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, có sự tham gia của cộng đồng” do Sở Khoa học& Công nghệ Ninh Thuận chủ trì…
Vườn rừng theo mô hình nông-lâm kết hợp của nông dân thôn Bạc Ray 1.
Từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước và các tổ chức quốc tế đã giúp cho Vườn Quốc gia bảo tồn nguyên vẹn giá trị đa dạng sinh học vốn có của khu rừng. Điều kiện làm việc, sinh hoạt và nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Phước Bình bước đầu được cải thiện.
- Phóng viên: Với trách nhiệm giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình, ông có những định hướng gì mới trong tương lai?
- Thạc sĩ Nguyễn Công Vân: Chúng tôi xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên Vườn Quốc gia Phước Bình theo hướng chuyên nghiệp đủ tầm đáp ứng các nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật phục vụ tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Hạn chế thấp nhất các nguy cơ làm suy giảm tài nguyên rừng. Tập trung thực hiện có hiệu quả các dự án đã và sắp được phê duyệt: Đầu tư phát triển Vườn Quốc gia, xây dựng vườn thực vật có quy mô đại diện các loài thực đại diện khu vực Nam Trung Bộ- Tây Nguyên, đầu tư phát triển vùng đệm, phát triển du lịch sinh thái. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ rừng. Quảng bá và mời gọi các doanh nghiệp liên kết phát triển du lịch sinh thái gắn với tạo sinh kế, đầu tư cải thiện điều kiện sản xuất góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cộng đồng dân cư vùng dự án.
- Phóng viên: Cảm ơn ông!
Sơn Ngọc (thực hiện)