Đợt sinh hoạt chính trị được triển khai sâu rộng, đồng bộ, chất lượng từ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến các cơ quan, đơn vị cơ sở với chủ đề “tự soi, tự sửa”. Nội dung tập trung vào việc quán triệt quan điểm về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề ra tại các kỳ đại hội, hội nghị trung ương, tập trung là Hội nghị Trung ương 3 khóa VII (1992), Hội nghị Trung ương 6 lần 2 khóa VIII (1999), Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII. Quán triệt, triển khai thực hiện những nội dung mới của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII; quán triệt, nhận thức đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp trong quán triệt, triển khai thực hiện kết luận, quy định của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương theo cương vị, chức trách được giao.
Về hình thức, chủ yếu tập trung sinh hoạt chuyên đề tự phê bình và phê bình. 100% các chi bộ tiến hành vào buổi sinh hoạt chuyên đề theo hướng dẫn của Tổng cục Chính trị; từ cấp đảng ủy bộ phận trở lên không tổ chức một buổi riêng mà lựa chọn nội dung đưa vào sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy để thảo luận, kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện đạt kết quả thiết thực. Đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là lãnh đạo, chỉ huy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đều gương mẫu, tự giác, nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình, tự soi lại mình, soi lại cơ quan, đơn vị, gia đình để tự sửa, phát huy mặt tích cực, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Thực hiện tốt phương châm: “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gưỡng mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân.
Đại tá Trần Ngọc Sương, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: Việc sinh hoạt tự phê bình và phê bình được cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị tiến hành nghiêm túc, chất lượng. Không có tình trạng xuề xòa, nể nang, “dĩ hòa vi quý” hay biểu hiện động cơ không trong sáng. Tự phê bình và phê bình trên tinh thần phát huy dân chủ, tự giác, trách nhiệm, nghiêm túc tiếp thu, cầu thị. Đây cũng là cơ sở để đánh giá, xem xét, quy hoạch cán bộ thời gian tới.
Ngoài sinh hoạt chuyên đề tự phê bình và phê bình, các cơ quan, đơn vị còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục, sân khấu hóa, tọa đàm, diễn đàn... phù hợp với đặc điểm tình hình thực tiễn. Thông qua “tự soi, tự sửa” không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Qua đợt sinh hoạt chính trị góp phần giữ vững các nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ huy, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, dân chủ được phát huy. Tinh thần, trách nhiệm, ý thức tự giác, tự học tập rèn luyện của cán bộ, đảng viên được nâng lên. Tập trung xây dựng các tổ chức đảng và tổ chức quần chúng, cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh.
Nhân Đức