Việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh

Ngày 22-11-2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15-7-2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) và trung tâm giáo dục thường xuyên. Theo đó, ngày 14-3-2022, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Công văn số 1028/UBND-VXNV về việc triển khai thực hiện chính sách dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở GDPT và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh, trong đó có tiếng Chăm. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài việc duy trì dạy học tiếng Chăm trong các trường tiểu học (TH) có học sinh người dân tộc Chăm có nguyện vọng và nhu cầu học tiếng Chăm trên địa bàn tỉnh thì một số địa phương trong tỉnh tiến hành tổ chức dạy thực nghiệm tiếng Raglai dành cho học sinh lớp 1 tại một số trường TH thuộc huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải.

Để thực hiện hiệu quả Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT, ngày 1-8-2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quyết định số 84/2013/QĐ-UBND ngày 18-12-2013 của UBND tỉnh quy định việc dạy và học tiếng Chăm trong các trường TH trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10-8-2022. Việc bãi bỏ Quyết định số 84/2013/QĐ-UBND là để thực hiện hiệu quả, toàn diện các nội dung quy định tại Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT. Do vậy, việc dạy và học tiếng Chăm trong các trường TH trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì bình thường như từ trước đến nay.

Theo thông tin từ Sở GD&ĐT, tại tỉnh Ninh Thuận, tiếng Chăm được nghiên cứu từ năm 1978 (từ khi còn là tỉnh Thuận Hải cũ), do Ban Biên soạn tiếng Chăm thực hiện. Tiếng Chăm được dạy theo hình thức tự chọn trong trường TH từ năm 2008 theo Quyết định số 74/2008/QĐ-BGDĐT ngày 26-12-2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Riêng trong năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 8.251 học sinh/294 lớp theo học từ khối lớp 1 đến lớp 5 được triển khai tại 24 trường TH tại các huyện: Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; trong đó, lớp 1 và 2 được học theo Chương trình GDPT năm 2018 được quy định tại Thông tư số 34/2020/TT-BGDĐT ngày 15-9-2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Chương trình GDPT môn học tiếng Bahnar, tiếng Chăm, tiếng Êđê, tiếng Jrai, tiếng Khmer, tiếng Mông, tiếng Mnông, tiếng Thái; các khối lớp còn lại thực hiện theo chương trình hiện hành theo Quyết định số 74/2008/QĐ-BGDĐT.

Hiện nay, công tác tổ chức dạy và học tiếng Chăm trong trường phổ thông luôn được củng cố và tiếp tục phát triển về quy mô ở các cấp học theo Chương trình GDPT năm 2018.