Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 đạt 2.812,8 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 87,6% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2018-2022. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 18.430,9 tỷ đồng, tăng 26,9% so cùng kỳ năm 2021, cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong các năm 2018-2022.
Đồng chí Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết: Nhờ dịch COVID-19 đã được kiểm soát, các hoạt động trong lĩnh vực DL được khôi phục, nhiều chương trình kết nối cung cầu, giao thương được tổ chức, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp dần phục hồi... đã tác động tích cực đến thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong mức tăng chung (26,9% của 7 tháng) kể trên, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.249,7 tỷ đồng, tăng 1,3% và tăng 69,4%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 367,9 tỷ đồng, tăng 2% và tăng 233,7%; doanh thu DL lữ hành đạt 0,8 tỷ đồng, tăng 12,2% và tăng 100%; doanh thu dịch vụ khác đạt 194,4 tỷ đồng, tăng 1,2% và tăng 217,5%.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà. Ảnh: Văn Nỷ
Trong tháng 7, nhu cầu tiêu dùng tăng, giá cả nhiều mặt hàng tăng do ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên, nhiên, vật liệu trên thị trường thế giới, nhưng nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh chuẩn bị hàng hóa dồi dào, tổ chức bán hàng khuyến mãi trong dịp hè; tại siêu thị Co.opmart Thanh Hà, VinMart, Trung tâm Điện Máy Xanh... khuyến mãi theo nhiều hình thức nhằm kích cầu tiêu dùng. Do là tháng hè, những điểm DL biển của tỉnh thu hút được một lượng khá lớn khách DL nội tỉnh và ngoại tỉnh đến vui chơi cũng tác động làm doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng tăng.
Xét theo ngành hoạt động, trong 7 tháng năm nay doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 14.932,7 tỷ đồng, chiếm 81,0% tổng mức và tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 13,4%; may mặc tăng 9,4%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 30,7%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 20,7%; phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) tăng 15,2%. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 2.194 tỷ đồng, chiếm 11,9% tổng mức và tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu DL lữ hành ước đạt 2,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% và tăng 83,7%. Doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.301,7 tỷ đồng, chiếm 7,1% và tăng 32%.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), trong tháng 7 do giá nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu, chi phí logistics, chi phí sản xuất tiếp tục tăng làm CPI tăng 0,62% so với tháng trước, tăng 3,33% so với tháng 12-2021 và tăng 4,10% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mức tăng 0,62% của chỉ số CPI tháng 7, so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số CPI tăng. Trong đó: Nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép tăng tăng nhiều nhất với 1,24%. Tiếp đến nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,24%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,08% (do giá lương thực tăng 0,55%; giá thực phẩm tăng 1,29%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,89%). Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,70% tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân tăng 0,57%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 3,39%; phí vệ sinh môi trường tăng 1,88% so với tháng trước. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,52%, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng: Thiết bị khác (máy tính, ổn áp) tăng 0,51%; đồng hồ treo tường tăng 1,36%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,75%; xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,29%; vật phẩm tiêu dùng khác tăng 2,46% do chi phí vận chuyển và sản xuất tăng. Nhóm văn hóa, giải trí và DL tăng 0,38% do giá một số mặt hàng sách, báo, tạp chí tăng 0,24%; dịch vụ văn hóa tăng 0,83%; giá thiết bị dụng cụ thể thao tăng 0,61%; giá hoa tươi tăng 2,12% do nguồn cung giảm; giá DL trọn gói tăng 0,34%; giá khách sạn tăng 0,17% do nhu cầu tăng. Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,25%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%. Có 2 nhóm là đồ uống, thuốc lá và giáo dục có chỉ số CPI không thay đổi. Nhóm duy nhất có CPI giảm là giao thông với mức giảm 1,42%, chủ yếu do giá xăng được điều chỉnh giảm vào các ngày 1, 11 và 21-7- 2022; so với tháng trước, giá nhiên liệu giảm 7,08%.
Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân 7 tháng năm 2022 tăng 3,01% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong 3 năm (2020-2022).
Phước Đức