Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tăng nhanh

Những tháng đầu năm 2022, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (KDTM), thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Điều này cho thấy thói quen thanh toán của người dân ngày càng chuyển biến rõ nét từ mua sắm truyền thống sang các hình thức không dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến

Cụ thể, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt trên 185.000 tỷ đồng. Trong đó, KDTM đạt trên 124.000 tỷ đồng, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2021. Việc sử dụng các hình thức thanh toán KDTM như: Ví điện tử, Internet Banking, ATM, ứng dụng e-Mobile Banking... đã trở nên phổ biến trong đời sống hằng ngày của người dân, từ mua sắm tại siêu thị, cửa hàng thời trang đến chi trả dịch vụ tại nhà hàng, khách sạn... Bà Nguyễn Thị Ánh Đào, Phó Giám đốc phụ trách Siêu thị Co.opmart Thanh Hà cho biết, tỷ lệ khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán KDTM khi mua sắm tại siêu thị ngày càng tăng, đặc biệt là giới trẻ và khách du lịch. Các ngân hàng thường xuyên có chương trình khuyến mại như: Tích điểm, tặng quà, hoàn tiền khi mua sắm... nên khách hàng có xu hướng thanh toán qua thẻ nhiều hơn. Hiện nay, siêu thị đã liên kết với các ngân hàng để đặt máy POS. Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động thanh toán KDTM phát triển mạnh hơn, siêu thị kiến nghị các ngân hàng nên xem xét việc giảm phí thanh toán hằng tháng cho các đơn vị đặt máy POS.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ATM khi mua sắm. Ảnh: Minh Thương

Việc triển khai đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công gồm: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả nhất định cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong thanh toán KDTM qua ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, đã có 9/11 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh thực hiện thu nộp thuế qua tài khoản ngân hàng cho gần 35.000 lượt khách hàng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2021; 8/11 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng với hơn 116.000 lượt khách hàng, tăng 14,75 so với cùng kỳ; 7/11 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng với trên 75.000 lượt khách hàng, tăng 6,5% so với cùng kỳ; 4/11 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán học phí qua ngân hàng với hơn 40.000 lượt khách hàng, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2021; có 1/11 chi nhánh NHTM có phát sinh giao dịch thanh toán viện phí qua ngân hàng với 606 lượt khách hàng, tăng 78,2% so với cùng kỳ và 5/11 chi nhánh NHTM có phát sinh thanh toán tiền thu hộ bảo hiểm xã hội và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng với gần 41.000 lượt khách hàng sử dụng dịch vụ, tăng 10,7% so với 6 tháng năm 2021.

Đổi mới công nghệ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết, ngay từ đầu năm, chi nhánh đã ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai hiệu quả các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam, UBND tỉnh về Đề án phát triển thanh toán KDTM tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh việc chuyển đổi số và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ngân hàng bằng nhiều giải pháp. Theo đó, các tổ chức tín dụng cần phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, phù hợp dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận tiện cho người sử dụng; đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động, như: Thanh toán qua mã QR, mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc, ví điện tử.

Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng đa dạng. Ảnh minh họa

Các ngân hàng tiếp tục phát triển dịch vụ thẻ ngân hàng, chuyển đổi thẻ ngân hàng từ thẻ từ sang thẻ chip; phát triển, gia tăng chức năng tiện ích trên các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ, đảm bảo an toàn trong thanh toán thẻ. Song song đó, các tổ chức tín dụng phối hợp kết nối sản phẩm, dịch vụ, nền tảng với các ngành, lĩnh vực đẩy mạnh thanh toán KDTM, thanh toán điện tử trong khu vực dân cư, dịch vụ hành chính công. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phát triển thanh toán KDTM ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

NHNN cũng chỉ đạo các NHTM tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn về thanh toán KDTM, thanh toán điện tử, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn hợp lý; nâng cao nhận thức của khách hàng trước rủi ro an ninh mạng, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng; chủ động áp dụng các hình thức cảnh báo kịp thời, hiệu quả tới khách hàng để khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán KDTM.