Ngăn chặn lây lan dịch bệnh tôm cần có giải pháp phối hợp đồng bộ

(NTO) Theo chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh, hiện nay toàn tỉnh đã có trên 320 ha ao đìa nuôi tôm bị dịch bệnh, chiếm trên 60% diện tích thả nuôi. Bệnh xuất hiện ở hầu hết các khu vực nuôi trong tỉnh nhưng tập trung nhiều nhất ở vùng nuôi tôm trên cát An Hải (Ninh Phước), Từ Thiện (Phước Dinh, Thuận Nam) và vùng Hộ Hải (Ninh Hải). Bệnh tôm phát tác từ đầu năm nhưng lây lan ra diện rộng bắt đầu vào tháng 3 và 4.

Vùng đìa nuôi tôm vào vụ nuôi mới

Ở khu vực nuôi tôm ven đầm Nại (Ninh Hải), chúng tôi đã tiếp xúc với các hộ có ao đìa bị dịch bệnh và hiểu được phần nào tổn thất mà họ gánh chịu. Ông Nguyễn Hữu Hoài, có 5 sào nuôi tại xã Tân Hải thẫn thờ nói:“ Tôi nuôi được 20 ngày thì tôm bị bệnh chết mà không rõ nguyên nhân, dù lỗ nhưng không thể bỏ cuộc nên tôi đang chuẩn bị thả nuôi lại”. Ông Nguyễn Văn Xinh ở thôn Hộ Diêm (Hộ Hải) đang tiếc hùi hụi khi 8 sào đìa thả nuôi từ tháng 3, đến giữa tháng 4 vừa được 45 ngày tuổi bỗng hàng loạt tôm bị bệnh chết, ngán ngẫm cho biết:” Không riêng gì tôi đâu, gần như tất cả đìa tôm thả nuôi ở Hộ Hải đều không tránh khỏi dịch bệnh, tuy nhiên với mong mỏi gỡ lại vốn để trả bớt nợ, mọi người lại tiếp tục đầu tư nuôi”. Theo các cơ quan chức năng, tôm mắc bệnh thường tập trung trong giai đoạn 20-45 ngày tuổi và ước tính giá trị thiệt hại do tôm bệnh chết trên toàn tỉnh là hơn 30 tỷ đồng. Đáng chú ý chiếm 90% tôm dịch bệnh là tôm thẻ chân trắng, đơn giản vì chưa phải là mùa vụ chính thả nuôi tôm sú nên bệnh phát tác trên đối tượng này ít hơn.

Trao đổi với chúng tôi về diễn tiến lây lan dịch bệnh, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Lâm, Chi cục trưởng chi cục NTTS tỉnh lo lắng nói: “Hiện bệnh tôm có dấu hiệu chậm lại nhưng vẫn còn xảy ra rải rác ở một số khu vực, kể cả các nơi trước đây chưa từng xảy ra dịch bệnh. Đáng lo trong các bệnh mắc phải có bệnh đốm trắng đỏ thân (WSSV) chiếm tỷ lệ 70%, độc lực mạnh nên dùng thuốc điều trị không hiệu quả, còn lại là các bệnh thông thường như bệnh về gan tụy và các loại bệnh do môi trường ô nhiễm gây ra”. Nguyên nhân dịch bệnh tôm bùng phát được cho là do sự biến đổi đột ngột của thời tiết; tình hình xả thải không được kiểm soát làm nguồn nước, môi trường ở các vùng nuôi bị ô nhiễm và suy thoái, nhất là vùng nuôi tôm trên cát ven biển. Ngoài ra vì giá tôm thương phẩm cao đã làm người nuôi bất chấp lịch thời vụ nuôi của ngành, cứ nuôi liên tục suốt năm, không có thời gian phục hồi hệ sinh thái ao được. Kể cả sự xuất hiện đàn chim di cư rẽ cổ đỏ (Phalarobus lobatus) cũng là tác nhân làm lây lan mầm bệnh từ ao này sang ao nọ, từ khu vực này sang khu vực kia.

Nhằm ngăn chặn sự lây lan và tiến tới tiêu trừ mầm bệnh, sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ráo riết chỉ đạo chi cục Thú y, chi cục NTTS, các cơ quan chức năng thuộc sở phối hợp với các phòng NN&PTNT, chính quyền các huyện, xã triển khai các giải pháp cấp bách và lâu dài. Trước ngày 1-6 người nuôi buộc phải tuân thủ theo lịch ngắt vụ, ngừng thả giống xuống nuôi. Anh Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Hải có vẻ lạc quan: “Ninh Hải có trên 135 ha tôm nuôi bị dịch bệnh, trong đó có gần 132 ha tôm thẻ chân trắng, nhờ hỗ trợ hóa chất dập dịch và xử lý môi trường tích cực nên có thể nói dịch bệnh tôm nuôi cơ bản đã được không chế, không để lây lan thêm”. Ông Nguyễn Văn Dư, là người nuôi tôm cũng ở Hộ Diêm tâm sự: “Tôi có 1,8 ha ao đìa, đã may mắn hơn nhờ tuân thủ lịch thời vụ của ngành, không thả nuôi nên đã tránh bị thiệt hại bởi dịch bệnh tôm, nhìn tấm gương mọi người, tôi đã cải tạo kỹ ao đìa, xử lý chlorine 30ppm để diệt mầm bệnh và đầu tháng 6 mới dám thả nuôi”. Bên cạnh việc tập trung cải tạo ao đìa, chi cục NTTS khuyến cáo những ao đang nuôi phải ổn định môi trường, nâng cao mực nước ao trên 1,5m và bổ sung men tiêu hóa đường ruột, vitamin C…vào thức ăn cho tôm, đồng thời giảm mật độ nuôi còn khoảng 60-100 con/m2 đối với tôm chân trắng và 20-25con/m2 đối với tôm sú.

Tuy nhiên, quan trọng hơn cả trong các giải pháp là phải kiểm tra kỹ chất lượng tôm giống và xử lý dịch bệnh chặt chẽ, kịp thời. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền với cơ quan chuyên môn. Mặt khác, qua tình hình lây lan dịch bệnh cho thấy tỉnh ta cần đẩy nhanh khảo sát, quy hoạch lại các vùng nuôi về quy mô, đối tượng nuôi cho phù hợp với sức tải môi trường và đầu tư đúng mức cơ sở hạ tầng phục vụ NTTS.