Những năm qua, để triển khai thực hiện nhiệm vụ BVMT, sở đã kịp thời chủ động tham mưu UBND tỉnh đầu tư hệ thống tiếp nhận, truyền dẫn dữ liệu quan trắc tự động liên tục đối với nước thải với tần suất 5 phút/lần, khí thải với tần suất 5 phút/lần. Đến nay, có 5/11 cơ sở đã đầu tư hệ thống quan trắc tự động và truyền dẫn số liệu quan trắc tự động, liên tục theo quy định về sở để theo dõi, giám sát, các cơ sở còn lại đang triển khai lắp đặt. Phối hợp tổ chức 40 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 241 tổ chức, cá nhân, xử lý vi phạm hành chính về BVMT 16 tổ chức, cá nhân; 100% cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép; 100% cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế đều tổ chức thu gom, phân loại, lưu chứa, chuyển giao chất thải nguy hại, chất thải y tế đúng quy định và không có sơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phát sinh. Tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%. Chất lượng môi trường nước Sông Cái luôn ổn định và được duy trì đạt quy chuẩn chất lượng nước mặt loại A dùng làm nguồn nước cấp cho sinh hoạt. Ngoài ra, sở đang tiếp tục duy trì việc quan trắc định kỳ các thành phần môi trường nước mặt nội địa, nước dưới đất, nước biển ven bờ, không khí và tiếng ồn theo Quy định mạng lưới quan trắc môi trường.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh giám sát tại Sở Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.với chức năng nhiệm vụ của mình cần kịp thời chủ động tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các nghị quyết, quyết định, kế hoạch, văn bản đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Chọn lọc, tiếp thu các ý kiến của Đoàn giám sát để cụ thể hóa trong nhiệm vụ quản lý nhà nước về BVMT. Tiếp tục duy trì, phát triển các phong trào, sự kiện liên quan đến môi trường, để từ đó góp phần tác động nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề BVMT. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó chú trọng thẩm định phê duyệt các dự án kịp thời, đúng quy định, coi trọng việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đồng thời, vấn đề môi trường còn là vấn đề bức xúc, lo lắng trong Nhân dân, cần có cơ chế giải quyết thực chất những ý kiến, kiến nghị của người dân về vấn đề môi trường. Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, Mặt trận, đoàn thể, các cơ quan liên quan trong nhân rộng các mô hình BVMT trong khu dân cư. Rà soát lại các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh…
Kim Thùy