Trong những năm qua, chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho Nhân dân từng bước nâng lên; mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và phát triển. Dịch vụ y tế ngày một đa dạng; thông qua Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh, nhiều công nghệ mới được trang bị, chuyển giao và ứng dụng phục vụ người dân tốt hơn. Y tế dự phòng được tăng cường mở rộng, chủ động trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; công tác y tế - dân số như: Tiêm chủng mở rộng, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, an toàn thực phẩm, dân số - kế hoạch hóa gia đình... được triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả. Mức độ hài lòng của người dân đối với các dịch vụ y tế được đánh giá ngày càng cao. Hầu hết các chỉ tiêu sức khỏe của Nhân dân đều được nâng lên. Đến cuối năm 2021 đạt 10,2 bác sĩ/vạn dân; 29,9 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc đạt 91,5%; tỷ lệ xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế tăng lên 93,8%; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt trên 93%; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 80%.
Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 bùng phát lây lan nhanh, diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài đã tác động nghiêm trọng đến sinh mạng, sức khỏe, đời sống của Nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngành Y tế đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, khoanh vùng và xử lý kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong. Công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 được triển khai hiệu quả, kịp thời chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh dịch bệnh đã cơ bản kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Hầu hết các ngành, lĩnh vực đang trên đà tăng trưởng trở lại, hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, người lao động ổn định và phát triển trở lại.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận kỹ thuật can thiệp thần kinh mạch máu não
do bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh chuyển giao. Ảnh: U.Thu
Để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân (SKND) trong tình hình mới theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo số 470-TB/TU ngày 4-7-2022; ngày 21-7-2022 UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3189/UBND-VXNV yêu cầu các sở, ban, ngành; các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ, Kế hoạch số 93-KH/TU ngày 21-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao SKND trong tình hình mới. Đẩy mạnh, đổi mới phương thức thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao SKND nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và mỗi người dân trong chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực y tế; chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch; sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực cần thiết, kịp thời ứng phó xử lý các tình huống phát sinh của dịch bệnh ngay tại cơ sở; tập trung các giải pháp tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả, đạt các chỉ tiêu đề ra và sử dụng hết số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ; huy động hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng, tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc và hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tăng cường các hình thức truyền thông, đặc biệt công tác vận động trực tiếp, để nâng cao chất lượng tuyên truyền về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực y tế của tỉnh đảm bảo đủ số lượng và nâng cao chất lượng. Rà soát, bổ sung nhân lực cho hệ thống y tế cơ sở từ thôn đến xã, huyện, bảo đảm đủ nhân lực để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe, KCB cho Nhân dân trên địa bàn. Khuyến khích, hỗ trợ kinh phí cho viên chức học liên thông bác sĩ đa khoa và sau đại học chuyên ngành y theo quy định của pháp luật. Đa dạng hóa loại hình đào tạo, tiếp tục hình thức đào tạo theo địa chỉ, đào tạo cử tuyển để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các vùng khó khăn, liên kết với các trường đại học y được mở các lớp đào tạo bác sĩ gia đình tại tỉnh.
Tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực KCB và công tác y tế dự phòng của các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; triển khai thực hiện tốt Đề án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816, Đề án KCB từ xa và chuyển giao gói kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế; ưu tiên phát triển chuyên sâu về lĩnh vực Ngoại chấn thương - chỉnh hình, Sản, Nhi, Tim mạch, Ung bướu và Nội soi can thiệp ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đồng thời phát triển y tế phổ cập ở tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng KCB ban đầu tại tuyến xã để phục vụ KCB cho Nhân dân ngày càng tốt hơn.
Triển khai các dự án đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở y tế; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý sức khỏe người dân trong cộng đồng và tại các cơ sở KCB; sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hình thành các bệnh viện thông minh. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà và giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân (nhất là tuyến tỉnh); tạo điều kiện tốt nhất để người dân tin tưởng đến KCB...
Đối với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát số lượng, báo cáo đánh giá tình hình hoạt động của cô đỡ thôn bản, y tế thôn bản trên địa bàn trong thời gian qua; trên cơ sở đó, phân tích những kết quả đạt được, nguyên nhân những hạn chế, bất cập và đề xuất chính sách sử dụng lại cán bộ y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản để nhiệm vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao SKND được tốt hơn.
Phước Đức