Công khai, minh bạch, giám sát công tác an sinh xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 31/2011/QĐ-TTg quy định việc công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội trong các lĩnh vực bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội; ưu đãi đối với người có công; vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn,...

Công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về an sinh xã hội (ASXH) là nhằm đảm bảo tổ chức thực hiện các quy định này đúng mục đích, đúng đối tượng; ngăn chặn những sai phạm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH.

7 hình thức công khai

Quyết định nêu rõ, cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện pháp luật về ASXH phải công khai các quy định pháp luật ASXH; điều kiện, tiêu chuẩn của đối tượng thụ hưởng; hồ sơ, quy trình, phương pháp lựa chọn đối tượng thụ hưởng, thời gian thực hiện; danh sách đối tượng, thứ tự ưu tiên, mức được thụ hưởng…

Các chủ thể này có thể lựa chọn trong số 7 hình thức công khai sau: Công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở làm việc; thông báo bằng văn bản đến các chủ thể có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đăng tải trên trang thông tin điện tử; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Thời gian công khai, minh bạch ít nhất là 5 ngày kể từ ngày thực hiện.

Việc công khai, minh bạch sẽ giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu đầy đủ, chính xác về mục đích, ý nghĩa, nội dung quy định pháp luật; đối tượng thụ hưởng, thứ tự ưu tiên; trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện quy định pháp luật về ASXH.

Kiểm tra, giám sát bảo đảm hiệu quả công tác ASXH

Công tác kiểm tra được thực hiện bởi Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện quy định pháp luật về ASXH và cơ quan, tổ chức thực hiện việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân.

Việc kiểm tra này nhằm nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; phòng ngừa vi phạm pháp luật và xem xét, đánh giá hiệu quả thực hiện quy định pháp luật về ASXH.

Ngoài ra, việc thực hiện quy định pháp luật về ASXH cũng chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, tổ chức xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và người dân.

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/7/2011.

Công tác an sinh xã hội đang ngày càng được chăm lo tốt hơn, với nhiều chính sách hỗ trợ tác động cho vùng nghèo, người nghèo, vùng thiên tai, dịch bệnh, chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế cho người dân.
Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2010, ngân sách trung ương chi 1.660 tỷ đồng, cấp không thu tiền 70 nghìn tấn gạo để trợ cấp đột xuất, chủ yếu cho khắc phục thiên tai và cứu đói giáp hạt; dành 4.500 tỷ đồng (gấp hơn 2 lần năm 2009) để thực hiện trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,6 triệu người. Nhà nước đã dành hơn 19.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho hơn 1,4 triệu người có công với Cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4% /năm…
Nguồn www.chinhphu.vn