Tuy nhiên, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định chuyện đóng giếng sẽ không xảy ra. Nhà lãnh đạo Nga cho rằng phương Tây sẽ không thể dừng nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga.
Phát biểu tại cuộc gặp với các doanh nhân trẻ ngày 9/6, ông Putin nói rằng thế giới không thể từ bỏ nguồn năng lượng Nga trong ít nhất một vài năm tới. Sẽ không thể biết chuyện gì xảy ra trong quãng thời gian này vì thế Nga sẽ không đóng kín các giếng dầu.
Một nhà máy lọc dầu của Nga tại khu vực Omsk. Ảnh: Reuters
Diễn biến trên thực tế đang đi gần với nhận định của ông Putin hơn là tính toán của phương Tây. Sản lượng dầu thô khai thác của Nga sụt giảm 9% trong tháng 4 vừa qua, nhưng sau đó đã lấy lại được đà tiến khi Moskva tìm kiếm được các đối tác thay thế như Ấn Độ, Trung Quốc. Cùng lúc, giá dầu và khí đốt tăng cao giúp Nga tăng nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng.
Đóng cửa giếng dầu là việc làm bình thường. Nhưng tại Nga, hoạt động này gặp phải một số rào cản, thách thức đặc trưng. Phần lớn các giếng dầu Nga đang khai thác tập trung tại khu vực Siberia, khiến việc đóng cửa làm giảm công suất sản lượng khi thời tiết giá lạnh gây ra thiệt hại thường trực. Chỉ cần đóng cửa trong một thời gian ngắn hoặc giảm tần suất khai thác, lớp băng mới sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến máy móc, khiến cho chi phí sẽ tăng lên rất nhiều khi khai thác trở lại.
Các giếng dầu mới được những tập đoàn hàng đầu của Nga như Rosneft, Gazprom hay Lukoil đưa vào khai thác phần lớn đều nằm ở Bắc Cực và biển Caspian, đều là những địa điểm có chi phí khai thác và vận chuyển cao và sẽ gây tổn thất rất lớn nếu đóng cửa hoặc ngưng sản xuất.
Hạ tầng kho chứa của Nga có giới hạn, vì thế việc duy trì hoạt động các giếng dầu đồng nghĩa với việc Moskva phải tìm kiếm được khách hàng nếu tiếp tục khai thác.
Theo TTXVN/Báo Tin tức