Những bệnh dịch lây từ động vật sang người đã xuất hiện từ khoảng một thế kỷ trước nhưng vài thập kỷ gần đây bắt đầu trở nên phổ biến hơn. Theo các chuyên gia, điều này là do tình trạng chặt phá rừng, chăn thả gia súc số lượng ngày càng lớn, biến đổi khí hậu và nhiều hoạt động xâm lấn khác của con người đối với môi trường hoang dã.
Có thể kể đến những dịch bệnh khác từng xảy ra do virus lây từ động vật sang người như AIDS, Ebola, Zika, SARS, MERS, cúm gia cầm và dịch hạch. Dù vẫn đang điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 nhưng ngày 9/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết bằng chứng mạnh mẽ nhất là bệnh lây từ động vật sang người. Với hơn 1.000 ca bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện trên toàn cầu trong tháng qua, WHO cũng cảnh báo nguy cơ thực tế là bệnh có thể xuất hiện ở hàng chục quốc gia trên thế giới.
Nhân viên Chữ thập Đỏ Guinea phun thuốc khử trùng ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola tại bệnh viện ở Conakry. Ảnh: AFP/TTXVN
Hồi tuần trước, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng mối tương tác giữa thế giới động vật và người đã trở nên ngày càng bất ổn. Tần suất xuất hiện các bệnh lây truyền từ động vật sang người ngày càng tăng trong khi khả năng bệnh lây từ người sang người cũng tăng. Bằng chứng là dù xuất hiện lần đầu ở CH Conggo vào năm 1970 thì phải mãi cho tới gần đây bệnh đậu mùa khỉ mới lây lan ra ngoài khu vực Trung và Tây Phi để sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khoảng 60% các dịch bệnh truyền nhiễm từng được ghi nhận ở người là lây truyền từ động vật và 75% các bệnh mới xuất hiện trong thời gian gần đây là từ nguồn lây này. Theo chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Olivier Restif từ Đại học Cambridge, số lượng mầm bệnh và các đợt bùng phát dịch lây truyền từ động vật đã tăng trong vài thập kỷ gần đây do "dân số tăng, số lượng đàn gia súc chăn nuôi tăng và tình trạng xâm nhập vào môi sinh hoang dã cũng phổ biến hơn".
Theo chuyên gia này, nguy cơ lây truyền cao hơn khi động vật bị suy yếu hệ miễn dịch tồn tại nhiều hơn xung quanh môi trường sống của con người và các động vật nuôi cũng là trung gian truyền nhiễm. Benjamin Roche, chuyên gia dịch bệnh lây truyền từ động vật tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Pháp cho rằng tình trạng phá rừng gây tác động lớn. Phá rừng làm giảm đa dạng sinh học, động vật giảm khả năng tự điều tiết trước các loại virus và khiến virus trở nên lây lan dễ dàng hơn.
Viễn cảnh thậm chí có thể sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn khi một nghiên cứu lớn mới công bố hồi đầu năm nay cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một đại dịch khác. Nghiên cứu chỉ ra biến đổi khí hậu khiến môi sinh hoang dã thay đổi, động vật di cư khỏi nơi sinh sống thông thường vì nhiệt độ tăng sẽ có cơ hội tiếp xúc với những động vật khác, làm tăng nguy cơ lây lan những loại virus gây bệnh được cho là đang âm thầm lưu hành trong thế giới hoang dã, chủ yếu là ở các cánh rừng nhiệt đới. Điều này khiến mạng lưới lây truyền mầm bệnh thay đổi đáng kể.
Greg Albery, chuyên gia sinh học từ Đại học Georgetown, đồng tác giả nghiên cứu, cho rằng thế giới cần tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện sớm các mầm bệnh có thể lây truyền trong động vật và nếu tình trạng này xảy ra ở những môi trường gần với môi sinh của con người thì cần đặc biệt lưu ý. Chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Eric Fevre từ Đại học Liverpool (Anh) cho rằng loài người cần chuẩn bị cho kịch bản xuất hiện những bệnh truyền nhiễm mới và có khả năng gây nguy hiểm.
Chuyên gia này khuyến nghị công tác chuẩn bị cần bao gồm tập trung đảm bảo các điều kiện y tế cộng đồng cho cư dân ở những vùng xa xôi hẻo lánh và đầu tư nghiên cứu nhiều hơn về hệ sinh thái tại những khu vực tự nhiên. Trong khi đó, chuyên gia Restif cho rằng cần đầu tư lớn cho các biện pháp chăm sóc y tế tuyến đầu và năng lực xét nghiệm cho các cộng đồng còn khó khăn trên toàn thế giới để nhanh chóng phát hiện và kiểm soát các đợt bùng phát.
Theo TTXVN/Báo Tin tức