Lựa chọn tiềm năng
Theo đánh giá của báo DW (Đức), Việt Nam là một trong số ít quốc gia châu Á không bị suy giảm kinh tế trong thời kỷ đỉnh dịch COVID-19 vào năm 2020-2021. Năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam dự kiến tăng khoảng 5,5%, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB).
Hiệu quả kinh tế của Việt Nam vào thời điểm trong và sau đại dịch đã thu hút được sự chú ý của một số công ty lớn trên thế giới, đặc biệt là từ châu Âu. Nhà sản xuất phụ tùng ô tô Brose (Đức), công ty sở hữu 11 nhà máy ở Trung Quốc, đang cân nhắc chọn giữa Thái Lan và Việt Nam làm địa bàn đặt cơ sở sản xuất mới.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Túi Xách Simone Việt Nam ở Cần Giuộc, Long An. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN
Tháng 12 năm ngoái, công ty Lego của Đan Mạch thông báo sẽ xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương của Việt Nam. Đây là một trong những dự án đầu tư lớn nhất của châu Âu ở Việt Nam cho đến nay.
Ông Daniel Muller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức, cho biết: “Hiện các công ty quy mô vừa đang nỗ lực thâm nhập thị trường Việt Nam hoặc đang rút hoạt động khỏi Trung Quốc”.
Tại sao các công ty rời đi?
Các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm các giải pháp thay thế Trung Quốc vì một số lý do. Trong những năm gần đây, mức lương của người Trung Quốc tăng cao khiến nơi đây trở nên kém hấp dẫn đối với các nhà sản xuất giá rẻ. Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu về kinh tế Moody's Analytics, mức lương trung bình hàng năm ở Trung Quốc đã tăng từ 5.400 USD vào năm 2010 lên 14.650 USD vào năm 2020.
Về mặt địa chính trị, mối quan hệ của Trung Quốc với các chính phủ châu Âu đã xấu đi kể từ năm 2021, sau khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Bắc Kinh với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Bắc Kinh sau đó đã đáp trả bằng các lệnh trừng phạt nhắm một số quan chức EU, đồng thời đóng băng một hiệp ước đầu tư đã được thông qua từ trước.
Người dân quét mã QR để khai báo y tế trước khi vào một trung tâm thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 28/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Năm 2022, chính sách chống dịch "zero-COVID" đang được Trung Quốc áp dụng đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng đứt gãy. Phần lớn hoạt động sản xuất đều bị đóng băng trong thời gian giới chức nước này phong tỏa các thành phố lớn. Điều này cũng đã làm lung lay niềm tin của giới đầu tư EU vào Trung Quốc như một địa điểm sản xuất ổn định và đáng tin cậy.
Thượng Hải mới được mở cửa trở lại ít hôm sau hơn hai tháng "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Các khu vực thuộc thủ đô Bắc Kinh cũng đã bị đóng cửa trong nhiều tháng. Thực trạng trên đã làm suy yếu nền kinh tế, dẫn đến cảnh báo rằng mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống thấp hơn nhiều so với dự kiến trong năm nay. Trong ba tháng đầu năm 2022, GDP của Trung Quốc tăng 4,8%, thấp hơn mục tiêu chính thức hàng năm là 5,5%.
"Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đã thấy các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong phân khúc sản xuất sử dụng nhiều lao động, bắt đầu chuyển ra khỏi Trung Quốc đại lục đến các quốc gia có chi phí sản xuất thấp hơn trong khu vực, ví dụ như Việt Nam", ông Raphael Mok, người đứng đầu Bộ phận rủi ro ở châu Âu tại Fitch Solutions, nói với báo DW.
Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Mức lương thấp hơn ở Trung Quốc và Việt Nam có tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Chính phủ cũng đang đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.
EU và Việt Nam đã phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương đã tăng lên 53 tỷ USD vào năm 2021, tăng từ mức 22,2 tỷ USD của năm 2012 – thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Một báo cáo của nền tảng nghiên cứu và cố vấn kinh tế Germany Trade & Invest chỉ ra rằng các hiệp định này cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động mua sắm công tại Việt Nam. Theo EVIPA, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tối đa cổ phần tại các ngân hàng thương mại tăng từ 30% lên 49%.
Trung Quốc vẫn thiết yếu?
Ông Matthijs van den Broek, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan - Việt Nam (DBAV), nhận định: “Liệu các địa điểm khác như Việt Nam có thế chỗ Trung Quốc như một lựa chọn đặt cơ sở sản xuất hay không vẫn còn phải xem xét. Nhưng với tư cách là một địa điểm đầu tư mở rộng hoặc bổ sung ngoài Trung Quốc, hoặc là một phần của chiến lược ‘Trung Quốc + 1’, chắc chắn Việt Nam đang có lợi thế của mình”.
Theo ông van den Broek, Trung Quốc là một thị trường lớn và hiện đại khó thể bỏ qua khi các nhà đầu tư nhắc đến châu Á.
Trong khi đó, ông Daniel Muller lưu ý rằng sự tách biệt của châu Âu khỏi Trung Quốc phụ thuộc phần lớn vào nơi đặt trụ sở của doanh nghiệp.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Ohashi Tekko Việt Nam khu công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Ví dụ, các công ty Đức phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc so với hầu hết các nước châu Âu khác. Theo số liệu từ trang OEC, xuất khẩu của Đức sang Trung Quốc năm 2020 trị giá 105 tỷ USD, lớn gấp 5 lần con số của Pháp.
“Vẫn chưa rõ liệu các công ty Đức, đặc biệt là các tập đoàn lớn, có giảm đáng kể hoạt động của họ tại Trung Quốc hay không. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết để các quốc gia như Việt Nam có cơ hội nhận được khoản đầu tư quy mô lớn mới”, ông Muller nói.
Điều đó cũng sẽ phụ thuộc vào các loại ngành nghề được đề cập. Chuyên gia Raphael Mok cho biết về dài hạn, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, chẳng hạn như kỹ thuật tiên tiến và thiết bị thông minh, vẫn sẽ chọn Trung Quốc đại lục làm trung tâm sản xuất chính do chuỗi cung ứng quan trọng của nó.
Tuy nhiên, ngành sản xuất có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, đòi hỏi một hệ sinh thái chi phí thấp và ít phức tạp hơn, có thể tiếp tục xu thế rút khỏi nền kinh tế lớn nhất châu Á để giữ cho chi phí sản xuất ở mức thấp.
Theo ông Muller, nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng hơn nữa trong tương lai, các công ty không thể tránh khỏi yêu cầu tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc. Và Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng trong đó.
Theo TTXVN/Báo Tin tức