UBND tỉnh họp nghe báo cáo công tác di dời lồng bè nuôi thủy sản khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ

Ngày 10-6, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về công tác di dời lồng bè nuôi thủy sản khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh ta có vùng C (C1 và C2), là vùng quy hoạch nuôi biển lớn với tổng diện tích 340 ha, là khu vực biển có điều kiện phù hợp để nuôi trồng thủy sản lồng bè; các đối tượng nuôi đều sinh trưởng và phát triển tốt, tại đây tập trung số lượng lồng bè lớn nhất của tỉnh với hơn 100 bè/2.000 lồng, nuôi các đối tượng như tôm hùm, cá mú, cá bớp. Tuy nhiên, do đặc điểm điều kiện tự nhiên, vùng biển C1, C2 là vùng biển hở, vào mùa gió Tây- Nam hàng năm (từ tháng 4 đến tháng 9) thường có gió mạnh, sóng lớn. Với điều kiện lồng bè nuôi kiểu truyền thống đơn giản, thô sơ của các hộ nuôi trong tỉnh, hiện không đảm bảo kết cấu vững chắc, nên hàng năm thường di dời về khu vực rạn Tây Giang (phường Đông Hải) tránh trú, gây mất mỹ quan, ảnh hưởng tới phát triển các ngành du lịch, dịch vụ trong thời gian qua. Sau thời gian tuyên truyền, vận động, xử lý quyết liệt của các ngành, địa phương, đến nay các bè nuôi đã được người dân di chuyển tìm các vùng nuôi tạm như: Khu vực biển Gò Xanh-Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam) và khu vực biển cạnh Hòn Chông (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải). Để phát triển nghề nuôi ổn định, lâu dài rất cần có giải pháp phù hợp, tạo vùng nuôi ổn định quanh năm, hoặc đầu tư lồng bè hiện đại, kiên cố để nuôi được tại vùng nuôi C, đồng thời có chính sách hỗ trợ để người dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của UBND Tp. Phan Rang- Tháp Chàm và các ngành, đơn vị liên quan trong việc vận động người dân di dời lồng bè tại khu vực biển Bình Sơn-Ninh Chữ, trả lại mỹ quan, môi trường cho phát triển du lịch. Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương liên quan cần quan tâm hỗ trợ người dân đảm bảo tình hình an ninh trật tự, phát triển ổn định, thuận lợi tại vùng nuôi mới; tăng cường kiểm soát, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Rà soát lại các vùng quy hoạch, mở rộng phạm vi vùng nuôi, nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh đảm bảo các cơ sở pháp lý về đầu tư nuôi biển, giao mặt biển nuôi trồng thủy sản cho người dân, doanh nghiệp. Đối với 2 vùng Hòn Chông và Gò Xanh hiện có sự chồng lấn với các dự án khác, cần xem xét, bố trí cho người dân nuôi tạm, trên cơ sở xác lập có cam kết di dời khi nhà nước triển khai dự án và không được mở rộng phạm vi nuôi. Ngành Nông nghiệp rà soát các quy định, hướng dẫn các địa phương thực hiện giao khu vực biển cho người dân nuôi thủy sản tại các vùng quy hoạch; vận dụng chính sách hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ nuôi lồng bè hiện đại, kiên cố ở vùng C đã được quy hoạch; thu hút dự án đầu tư nuôi biển gắn với phát triển du lịch. Hỗ trợ các trường hợp người dân có nhu cầu chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm phù hợp, tạo điều kiện tối đa cho người dân ổn định đời sống, sản xuất, vừa phát huy thế mạnh kinh tế biển của tỉnh trong thời gian tới.