Tại kỳ họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Y tế Thế giới đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ (từ ngày 22 - 28/5) - hội nghị y tế trực tiếp đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát - Giám đốc điều hành PPATS, Tiến sĩ Nigel Sizer cho biết có trên 10 quốc gia đang ghi nhận số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ gia tăng trong số những người chưa từng tới châu Phi - nơi đậu mùa khỉ được coi là căn bệnh đặc hữu - trong thời gian gần đây. Bệnh đậu mùa khỉ đã được biết đến từ hơn 40 năm trước đây, là một loại bệnh lây nhiễm từ động vật hoang dã sang người trong các khu rừng ở Tây và Trung Phi. Virus cũng có thể lây từ người sang người.
Một em nhỏ mắc bệnh đậu mùa khỉ tại Bondua, Liberia. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Trong khi các nhà khoa học đang cố gắng xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến đợt bùng phát hiện nay, Tiến sĩ Sizer một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết nhằm giảm nguy cơ virus lây lan từ động vật sang người. Các biện pháp này bao gồm ngăn chặn hoặc kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động buôn bán động vật hoang dã, chấm dứt nạn chặt phá rừng, nâng cao sức khỏe cộng đồng tại các điểm nóng dịch bệnh, tăng cường dịch vụ chăm sóc thú y, an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Trong bối cảnh có nhiều đại diện chính phủ các nước tham gia kỳ họp lần này của Đại hội đồng Y tế Thế giới, PPATS kêu gọi Đại hội đồng chú ý hơn tới việc chấm dứt dịch bệnh ngay từ nguồn phát sinh, thay vì chờ đợi một đại dịch mới bùng phát. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả ngăn chặn dịch, giảm tối đa chi phí và bảo vệ tốt nhất cho tất cả mọi người trước nguy cơ lây nhiễm bệnh từ động vật.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Chris Walzer, Giám đốc Điều hành Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã cảnh báo sự lây của bệnh đậu mùa khỉ cho thấy trong thế giới siêu kết nối như hiện nay, các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể di chuyển nhanh chóng đến mọi châu lục, không còn nơi nào được coi là xa xôi và có thể bỏ qua nguy cơ dịch bệnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức