Xung đột Nga-Ukraine đang tạo ra những vấn đề mới có thể làm trì trệ nền kinh tế châu Âu. Giá năng lượng tăng cao do lo ngại về an ninh nguồn cung do xung đột có thể gây căng thẳng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên lục địa này.
Giá đầu vào cao có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, trong khi chi phí sinh hoạt tăng sẽ khiến chi tiêu suy giảm. Tình trạng ảm đạm này đã khiến Ủy ban châu Âu phải hạ dự báo tăng trưởng trong EU xuống 2,7% trong năm nay so mức với 4% chỉ vài tháng trước.
Việc hạ mức tăng trưởng được đưa ra khi các nhà phân tích tại ngân hàng ING của Hà Lan cảnh báo doanh số bán lẻ chậm lại và "các biện pháp phong tỏa do COVID-19" sẽ khiến quy mô nền kinh tế Trung Quốc giảm 1% trong quý này.
Giá năng lượng tăng cao đang dẫn đến lạm phát kỷ lục ở châu Âu, khiến mọi thứ từ thực phẩm đến phương tiện giao thông và nhà ở trở nên đắt đỏ hơn. Ảnh: AP
Paolo Gentiloni, Ủy viên Kinh tế EU, cho biết: “Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang gây tổn thất rất lớn và đè nặng lên sự phục hồi kinh tế của châu Âu. Xung đột dẫn đến sự gia tăng giá năng lượng và tiếp tục làm gián đoạn chuỗi cung ứng, do đó lạm phát hiện được cho là sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong thời gian dài”.
Hiện Ủy ban châu Âu dự kiến lạm phát sẽ đạt đỉnh ở mức 6,9% trong quý 2 năm nay và sẽ giảm sau đó. Lạm phát toàn EU hiện được dự đoán là 6,8% trong năm nay và 3,2% vào năm 2023 - cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó lần lượt là 3,9% và 1,9%.
Bất chấp những đợt tăng giá cao trong lịch sử, Ngân hàng Trung ương châu Âu đến nay vẫn chưa đưa lãi suất ra khỏi vùng âm khi họ đã duy trì trong khoảng một thập kỷ.
Châu Âu phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt, có nghĩa là giá cao hơn và gián đoạn nguồn cung do xung đột sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì mức sản xuất bình thường.
Lĩnh vực công nghiệp của Đức, cường quốc kinh tế của châu Âu, vốn tạo ra một tỷ trọng lớn sản lượng quốc gia. Tình trạng thiếu hụt năng lượng và giá khí đốt cao hơn có thể sẽ khiến nền kinh tế nước này bị thu hẹp.
Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô Đức (IMK) ước tính lệnh cấm vận đột ngột đối với năng lượng Nga trong một nỗ lực nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt của EU có thể gây ra thiệt hại từ 114 - 286 tỷ Euro đối với nền kinh tế châu Âu, chiếm khoảng 3% - 8% GDP.
Berlin đã phản đối lệnh cấm khí đốt hoàn toàn của Nga nhưng đã ủng hộ lệnh cấm vận dầu mỏ vào cuối năm nay.
Một lệnh cấm của EU đối với than từ Nga sẽ bắt đầu vào tháng 8 tới và một nỗ lực đang được tiến hành để giảm 2/3 nhu cầu đối với khí đốt tự nhiên của Nga trong năm nay. Một lệnh cấm vận dầu mỏ được đề xuất đã gặp trở ngại trong bối cảnh sự dè dặt của một số quốc gia không giáp biển phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, chẳng hạn như Hungary.
Tất cả những điều này đã khiến các thành viên EU phải "tranh giành" để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng thay thế trong những tháng tới, bao gồm cả từ các nước xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch như Mỹ và từ các nguồn tái tạo trong nước nhằm giúp khối đạt được các mục tiêu khí hậu lâu dài hơn.
"Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine đang dẫn đến sự tách rời kinh tế của EU khỏi Nga, với những hậu quả khó có thể lường hết được ở giai đoạn này", Ủy ban châu Âu cho biết.
Theo TTXVN/Báo Tin tức