Khác với phiên bản 2021 hoàn toàn tập trung vào lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số, hội nghị năm nay, thông qua các hình thức hội nghị trực tiếp và trực tuyến, chủ yếu đề cập đến các lĩnh vực giáo dục, đa dạng sinh học, thời trang bền vững, kinh tế tuần hoàn, năng lượng, giao thông, thành phố bền vững, xã hội và thay đổi thói quen, chuyển đổi và giảm khí thải.
Khí thải bốc lên từ nhà máy ở Saint-Avold, miền đông Pháp. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Có khoảng 1.000 doanh nhân, 800 nhà đầu tư và 400 diễn giả đến từ 182 quốc gia khác nhauncó mặt tại hội nghị mang tên “Paris for Change Now”, một sự kiện lớn nhất thế giới dành riêng cho các giải pháp về khủng hoảng môi trường, mang đậm dấu ấn của đổi mới và sáng tạo, cho phép trao đổi và mở ra các cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng. Trong số các diễn giả được mong đợi, có Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, CEO của tập đoàn ô tô Renault Luca de Meo, đạo diễn phim Netflix "Đừng nhìn lên" Adam McKay. Đại diện Hội Chữ thập đỏ quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), một số cơ quan khác của Liên hợp quốc, cũng như các thương hiệu lớn như Google, Microsoft, Orange hay Coca-Cola đã có mặt.
Rất nhiều sự kiện khác nhau đã được tổ chức trong 3 ngày hội nghị, trong đó có các hội thảo về một số chủ đề như vai trò của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, thay đổi thói quen và lối sống vì khí hậu, sản phẩm làm đẹp và vệ sinh không chất thải… Santiago Lefebvre, người sáng lập và hiện là Chủ tịch của ChangeNOW, cho biết: “Việc tạo điều kiện để các nhân tố thay đổi đến với nhau, trao đổi, giới thiệu, đề xuất và tài trợ các giải pháp cụ thể và bền vững cho hành tinh chưa bao giờ lại quan trọng đến thế. ChangeNOW nằm ở trung tâm các hệ sinh thái, mang đến sự thay đổi tích cực và đưa ra các giải pháp cụ thể và đây là tinh thần chỉ đạo của phiên bản 2022”.
ChangeNOW là một sáng kiến của Pháp nay đã trở thành sự kiện toàn cầu lớn nhất về chuyển đổi sinh thái và xã hội. Sau 5 phiên bản, hội nghị này tiếp tục duy trì mục tiêu xuyên suốt là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bằng cách kết nối tất cả các bên liên quan, tạo ra cơ hội hợp tác, cung cấp hỗ trợ tài chính và con người, thu hút sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các giải pháp ưu việt nhất. ChangeNOW luôn bám sát các vấn đề cấp bách nhất của thời đại, gồm biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên hạn chế.
Tại ChangeNOW 2022, tổng cộng đã có khoảng gần 1.000 giải pháp bền vững được các “nhân tố thay đổi” đến từ khắp nơi trên thế giới được giới thiệu, trao đổi và tìm đối tác. Có thể nêu một vài ví dụ như giải pháp sưởi ấm giúp giảm 70% lương tiêu thụ và 90% lượng khí thải carbon so với khí đốt; thực vật khử kim loại nặng để tái tạo đất trồng; pin được chế tạo từ enzym thực vật. Tóm lại là những giải pháp sáng tạo mang đến một hình ảnh của một tương lai đáng mơ ước.
Các dự án được lựa chọn giới thiệu tại ChangeNOW phải đáp ứng 4 yêu cầu cơ bản: ý tưởng có tác động tích cực, phù hợp các tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc; ý tưởng phải sáng tạo và làm cân nhắc lại các tiêu chuẩn; dự án phải cho thấy mô hình kinh doanh khả thi; dự án phải có khả năng được nhân rộng trên quy mô lớn.
Bên cạnh các sự kiện văn hóa nghệ thuật chuyên đề, ChangeNOW cũng tổ chức triển lãm giới thiệu thời trang vì môi trường, trong đó có các sản phẩm được các thương hiệu lớn của Pháp và thế giới phát triển . Với khẩu hiệu “Quá trình chuyển đổi sinh thái cũng là quá trình chuyển đổi thẩm mỹ”, hội nghị năm nay phiên bản lần này còn có sự tham dự của các đại diện đến từ nhiều thương hiệu may mặc và hàng xa xỉ hàng đầu thế giới như như Kering, L'Oreal, La Caserne và LVMH.
Tập đoàn LVMH sở hữu thương hiệu Louis Vuitton đã tổ chức một số sự kiện thời trang thể hiện cam kết mạnh mẽ với kinh tế tuần hoàn, trong đó có lễ trao giải “ChangeNow x LVMH Economie Circulaire” cho các sáng kiến đổi mới thời trang bền vững đồng thời chủ trì giới thiệu giải pháp khả thi của các đối tác như WeTurn, Parley hoặc Nona Source, CSM có thể áp dụng cho khái niệm mới này.
Các công ty khác như Aigle, Clear Fashion, Jeans Mud đã tổ chức các hội thảo về ứng dụng đánh giá trách nhiệm với môi trường của sản phẩm may mặc, hoặc tính tuần hoàn và sự minh bạch trong công nghiệp thời trang.
Trong 5 năm qua, ChangeNOW đã trở thành một sự kiện thường niên kết nối các doanh nghiệp có dự án bền vững hoặc nghiên cứu đổi mới vì môi trường và khí hậu với các nhà đầu tư, cho phép họ biến các dự án thành hiện thực. Theo các thành viên sáng lập, ChangeNOW là sự kiện chỉ đứng sau Hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP).
Theo TTXVN/Báo Tin tức