Bạo lực súng đạn - cơn đau chưa có thuốc đặc trị

Hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn lại gióng lên tại Mỹ sau loạt vụ xả súng gây thương vong lớn xảy ra liên tiếp gần đây. Giống như một “căn bệnh kinh niên”, nạn bạo lực súng đạn cho thấy nếu không có phương thức chữa trị triệt để, cơn đau cứ kéo dài và có thể nhói lên bất kỳ lúc nào.

Sáng 25-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không giấu nổi sự bàng hoàng khi nhận được thông báo về vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas, khiến ít nhất 21 người chết, trong đó có 19 học sinh. Nghi phạm 18 tuổi đã bị lực lượng an ninh tiêu diệt tại chỗ. Ðây là vụ xả súng ở trường học gây nhiều thương vong nhất tại Mỹ kể từ vụ tấn công tại bang Connecticut năm 2012, cướp đi mạng sống của 26 người, trong đó có 20 trẻ em.

Hôm 14-5, tại bang New York cũng xảy ra một vụ xả súng đẫm máu do một thanh niên 18 tuổi thực hiện. Ðối tượng là người da trắng đã nổ súng vào những người có mặt tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư chủ yếu là người da mầu sinh sống, khiến 10 người chết. Hung thủ còn phát hình trực tiếp vụ xả súng trên một nền tảng mạng xã hội trước khi trang này gỡ bỏ nội dung vi phạm.

Học sinh lên xe buýt trong sự bảo vệ của lực lượng thực thi pháp luật.

Xu hướng gia tăng đáng kể các vụ xả súng được ghi nhận tại Mỹ trong hai năm gần đây. Theo số liệu thống kê của Cục Ðiều tra liên bang Mỹ (FBI), số vụ xả súng có chủ đích tại Mỹ trong năm 2021 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó. Năm 2021 cũng là năm chứng kiến số người chết do xả súng cao nhất tại Mỹ kể từ năm 2017.

Trong khi đó, theo tổ chức Small Arms Survey chuyên điều tra về vũ khí cỡ nhỏ, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ là quốc gia có nhiều người dân sở hữu vũ khí nhất trên thế giới. Báo cáo mới công bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho thấy, ngành công nghiệp vũ khí ở Mỹ đã “bùng nổ” trong suốt 20 năm qua. Trong những năm 2000, chỉ có khoảng 2.000 công ty sản xuất vũ khí tại Mỹ, thì tới năm 2020, con số này đã lên gần 17.000 công ty. Hơn 139 triệu khẩu súng thương mại được tung ra thị trường Mỹ trong 20 năm qua.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương cũng đang đau đầu nhằm xóa bỏ các loại “súng ma”, vốn có thể được sản xuất ngày càng dễ dàng tại nhà với giá thành chỉ khoảng vài trăm USD bằng công nghệ in 3D hoặc đặt mua trực tuyến mà không cần giấy phép sử dụng súng hoặc lý lịch hình sự, cũng như các loại giấy chứng nhận sức khỏe tâm thần.

Kiểm soát súng đạn luôn là bài toán khó đối với Nhà trắng, bởi Mỹ là một trong số ít quốc gia trên thế giới quy định quyền sở hữu súng trong Hiến pháp. Hai đảng phái chính trị hàng đầu của Mỹ là đảng Dân chủ và Cộng hòa từ lâu luôn có quan điểm trái chiều về kiểm soát súng đạn. Phần lớn nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng dự luật kiểm soát súng đạn sẽ vi phạm Hiến pháp Mỹ và cũng không giúp người dân an toàn hơn. Ðảng Dân chủ lại cho rằng, nếu không có luật để kiềm chế thì vũ khí dễ dàng rơi vào tay những phần tử nguy hiểm với xã hội.

Bên cạnh những lỗ hổng trong quản lý súng đạn, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng phân biệt đối xử, những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần do cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 cũng là một phần nguyên nhân đẩy các chỉ số về bạo lực súng đạn tăng vọt tại Mỹ trong hai năm trở lại đây.

Khi tranh cử vào Nhà trắng, Tổng thống Biden từng cam kết thúc đẩy các biện pháp nhằm giảm hàng chục nghìn ca tử vong vì súng hằng năm tại Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống thứ 46 của Mỹ và đảng Dân chủ đã không giành được đủ phiếu ủng hộ tại Quốc hội để thông qua luật yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi mua súng, cũng như các đề xuất liên quan.

Trước tình hình trên Tổng thống Biden một lần nữa kêu gọi người dân Mỹ cùng hành động mạnh mẽ hơn, để khôi phục lệnh cấm mua bán vũ khí tấn công và các luật liên quan quyền sở hữu súng, cũng như thúc đẩy sớm thông qua các dự luật kiểm soát súng đạn, vốn luôn được xem là “vấn đề nhạy cảm” và gây chia rẽ nhiều nhất tại Mỹ trong nhiều năm qua.