Ông Nguyễn Thanh Xuân, Thư ký Ban Vạn lạch xã Cà Ná và Phước Diêm chia sẻ: Lễ hội Cầu Ngư bắt nguồn từ tục thờ cá Ông, ngư dân còn gọi cá “Đức Ông” hay “Ông Nam Hải”. Đây là tập tục lâu đời của cư dân vùng biển từ Quảng Ngãi trở vào, trong đó đặc sắc nhất là vùng Nam Trung Bộ để cầu cho biển lặng gió hòa, ngư dân may mắn được mùa, làm ăn phát đạt, an khang. Qua thống kê, hiện nay tỉnh ta có hơn 30 địa điểm thờ Ông Nam Hải, tập trung ở các huyện như: Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam, Thuận Bắc và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Theo lệ thì dân chài ai phát hiện được cá Voi mắc cạn thì có bổn phận chôn cất và làm tang lễ (tục gọi là “Ông lụy”). Xác cá Ông được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ. Xác cá được mai táng trong đụn cát gần biển. Hằng năm dân làng chọn ngày “Ông lụy” trôi vào bờ để làm lễ cúng giỗ theo nghi thức Nghinh Ông. Người địa phương có câu nói “Thấy Ông vào làng như vàng vào tủ”. Vì theo tín ngưỡng này, cá “Ông lụy” trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Do đó, người dân vùng biển tin rằng tổ chức tế lễ càng đầy đủ, chu đáo bao nhiêu thì ân đức của Ngài sẽ ban lại cho ngư dân được mùa tôm, cá, đời sống no ấm, sung túc bấy nhiêu.
Đua thuyền rồng là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân xã Cà Ná và Phước Diêm (Thuận Nam).
Được biết, hằng năm chính quyền địa phương tổ chức Lễ hội Cầu Ngư để phục vụ sinh hoạt văn hóa tinh thần cho ngư dân làng biển và thu hút hàng ngàn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây là lễ hội diễn ra với nhiều lễ thức khác nhau. Mỗi lễ thức mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được truyền từ đời này sang đời khác và hầu hết còn được bảo lưu nguyên vẹn. Nếu như lễ hội ở vùng đồng bằng thiên về sự trang nghiêm, thành kính thì Lễ hội Cầu Ngư của ngư dân vùng ven biển lại thiên về sự tưng bừng, náo nức, mở rộng ra toàn làng và ngoài biển khơi mà Lăng Ông là tâm điểm. Trong không gian mở ấy, rất nhiều nghi thức được diễn ra như: Lễ Cầu an, Lễ Thỉnh sắc, Lễ Nghinh Ông, Lễ Thỉnh sanh, Lễ Tiền hiền, Lễ tế Thần ân (tế thần Nam Hải), Khai chầu hát tuồng và Tôn vương, Lễ Tống na và Hoàn mãn; Hò Bả trạo. Trong Lễ hội Cầu Ngư, phần lễ và phần hội gồm các môn: Lắc thúng, đua thuyền, kéo co, đá bóng được tiến hành một cách song song góp phần làm cho không khí lễ hội thêm vui tươi, náo nhiệt, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư vùng biển. Đến nay, Lễ hội Cầu Ngư được phát triển cả về hình thức lẫn nội dung, tạo ra những giá trị đặc sắc nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của công chúng, luôn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lễ hội Cầu Ngư không những giữ được bản sắc riêng, độc đáo của một lễ hội dân gian, văn hóa đặc trưng miền biển mà còn là nét đẹp văn hóa của mỗi địa phương, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tri ân các thế hệ tiền nhân đã góp phần xây dựng nghề biển, có tác động mạnh đến đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân. Qua đó bồi đắp, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, hướng về cội nguồn và tạo nên sự cố kết cộng đồng bao đời nay của ngư dân vùng biển. Để bảo tồn và phát huy giá trị đối với Lễ hội Cầu Ngư trong tỉnh, trong thời gian tới, cần tiếp tục nhận được sự quan tâm của các ngành chức năng, nhà nghiên cứu và cộng đồng ngư dân vùng biển; phát huy nội lực, huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đúng với giá trị lịch sử, văn hóa vốn có để góp phần làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc; đồng thời chú trọng công tác giáo dục truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân gắn với thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với tỉnh ta.
Văn Nỷ