Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương

Theo Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 17-1-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt danh sách, phân công vận động, tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2022, hiện trên địa bàn tỉnh có 280 người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Đó là những già làng, trưởng thôn, trưởng các dòng họ; cán bộ, trí thức người DTTS đã nghỉ hưu; chức sắc, chức việc các tôn giáo; những người có uy tín do làm kinh tế giỏi, thầy thuốc, lương y... thường giúp đỡ đồng bào trong sản xuất, chăm sóc sức khỏe. Những người được đồng bào các DTTS tin tưởng, tín nhiệm, có kiến thức nhất định về một hay nhiều lĩnh vực, biết ứng xử và quan hệ gia đình, cộng đồng, xã hội. Thường xuyên liên hệ với đồng bào, với cộng đồng dân cư, được đồng bào tìm đến để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề vướng mắc trong đời sống và các mối quan hệ, tranh thủ ý kiến về hướng khắc phục, giải quyết; là những người có khả năng tác động, chi phối, tập hợp đồng bào ở phạm vi nhất định bằng lời nói và hành động, bằng những quy ước của phong tục, tập quán dân tộc.

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận của lực lượng vũ trang tỉnh, phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương, cơ quan quân sự các cấp đã tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin cần thiết để người có uy tín nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương, chú trọng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) đưa những người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN. Nội dung bồi dưỡng chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố QP-AN; quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền của các thế lực thù địch; các bộ luật, pháp lệnh của Nhà nước liên quan đến nhiệm vụ QP-AN... Nhờ vậy đã phát huy tốt vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong các DTTS trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố QP-AN, xây dựng “thế trận lòng dân” ở cơ sở.

Ông Bo Bo Phước, 80 tuổi, bộ đội nghỉ hưu, người có uy tín trong đồng bào Raglai ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại (Bác Ái) trải lòng: Thế hệ chúng tôi đã đổ biết bao xương máu để đánh giặc giữ đất, giữ rừng. Mình phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục cho con cháu về truyền thống quê hương cách mạng và lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vận động các lớp thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, không để thôn, xã trắng trong công tác tuyển quân. Còn ông Katơr Qua, 80 tuổi, cựu chiến binh, người có uy tín trong đồng bào Raglai ở thôn Tà Nôi, xã Ma Nới (Ninh Sơn) chân thật: Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, chúng tôi phải tự biết chăm lo xây dựng lực lượng dân quân của thôn vững mạnh, sẵn sàng xử lý các tình huống, giữ gìn an ninh trật tự, phòng, chống thiên tai để bà con yên tâm sản xuất, sinh sống...

Đánh giá về vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS, Thượng tá Đào Xuân Hùy, Trưởng ban Dân vận, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết thêm: Họ luôn là những người mẫu mực, đi đầu trong chấp hành và vận động gia đình, dòng họ, lối xóm thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hóa, thôn làng văn hóa; đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng chính trị ở cơ sở. Là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền và người dân.

Trong giai đoạn hiện nay, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “nhân quyền”, tiến hành nhiều âm mưu thủ đoạn nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ đoàn kết quân dân, đòi hỏi vai trò của những người có uy tín trong đồng bào DTTS càng phải được nâng cao.