Tăng cường công tác phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh

Ngày 9-5-2022, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản số 1935/UBND-VXNV về việc tăng cường công tác phòng, chống Sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh.

Văn bản nêu rõ: Bệnh Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có 14.704 trường hợp mắc SXHD, trong đó có 06 trường hợp tử vong. Riêng các tỉnh khu vực miền Trung tính đến ngày 29/4/2022 đã ghi nhận 2.745 trường hợp mắc, chưa có trường hợp tử vong.

Tại Ninh Thuận, từ đầu năm đến ngày 04/5/2022 đã ghi nhận 47 trường hợp mắc bệnh SXHD, giảm 62,7% so với cùng kỳ năm 2021 (47/126), chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên thời tiết trong những ngày qua có mưa, nước mưa tồn tại trong nhiều vật dụng phế thải xung quanh nhà, tình trạng trữ nước sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng nhưng không có nắp đậy kín và không thường xuyên súc rửa để loại bỏ lăng quăng/bọ gậy là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Người dân còn chủ quan, chưa tích cực chủ động thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt. Dự báo bệnh Sốt xuất huyết Dengue có thể gia tăng trong thời gian tới.

Để chủ động phòng chống bệnh SXHD không để bùng phát thành dịch lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các nội dung sau đây:

Sở Y tế:

- Giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch. Đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật, đánh giá chỉ số véc tơ trước và sau phun để có chỉ định phun cụ thể. Xác định khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi. Hướng dẫn, kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị SXHD; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống SXHD lần thứ 12 (15/6/2022), cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh SXHD và các biện pháp phòng chống nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác sẵn sàng ứng phó với bệnh SXHD của các địa phương trong tỉnh. Chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong công tác vận động nhân dân phòng, chống bệnh SXHD.

Sở Giáo dục và Đào tạo: Huy động học sinh tham gia các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành Y tế. Chủ động phối hợp với ngành Y tế đưa các bài giảng về bệnh SXHD vào các chương trình ngoại khóa nhằm giúp các em học sinh có đủ kiến thức và kỹ năng phòng ngừa bệnh, hưởng ứng tích cực các phong trào diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh SXHD do chính quyền địa phương các cấp phát động.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXHD, lồng ghép với truyền thông phòng chống COVID-19 và các hoạt động khác với các hình thức đa dạng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh.

Sở Tài chính: Tham mưu bố trí nguồn kinh phí đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh SXHD phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và tình hình ngân sách của tỉnh.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống SXHD trên địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo các phòng, ban và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phối hợp với ngành Y tế có kế hoạch tổ chức các biện pháp phòng dịch chủ động, thực hiện các chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy, vệ sinh môi trường nơi công cộng nhằm phòng ngừa dịch bệnh SXHD lây lan trong cộng đồng.

- Tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy thường xuyên hàng tuần, khai thông cống rãnh những nơi còn ứ đọng nước tại khu dân cư, thường xuyên thăm hộ gia đình, nhắc nhở hộ gia đình súc rửa dụng cụ chứa nước, thu gom các vật phế thải không cần thiết, cần phải thường xuyên kiểm tra các vật dụng chứa nước, thay nước sạch hàng ngày để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Lưu ý các dụng cụ chứa nước có lăng quăng/bọ gậy tại hộ gia đình là các dụng cụ chứa nước trong nhà như lu, lọ hoa trồng cây cảnh, các dụng cụ chứa nước cho gia súc, gia cầm uống.

- Huy động các ban, ngành, đoàn thể chủ động phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy, vận động mọi người dân, toàn thể cộng đồng cùng chung tay phòng chống dịch bệnh. Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch, kiểm tra giám sát việc thực hiện tại các địa phương, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các địa phương để dịch bùng phát. Bố trí ngân sách, nguồn lực của địa phương để hỗ trợ công tác diệt lăng quăng/bọ gậy xử lý ổ dịch SXHD.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội: Phối hợp, hỗ trợ Ngành Y tế trong công tác tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh SXHD.

Giao Sở Y tế hướng dẫn, đôn đốc các ngành, địa phương triển khai thực hiện nội dung Công văn này; theo dõi, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Trường hợp có vấn đề phát sinh phải kịp thời báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý.