Nông dân và người lao động trong tỉnh trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ

Sau ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Ninh Phước đã tập trung ra đồng thu hoạch lúa, chăm sóc cây trồng. Có mặt từ sáng sớm tại cánh đồng lúa trên địa bàn xã Phước Hậu, chúng tôi ghi nhận không khí lao động rất nhộn nhịp, tiếng máy gặt liên hợp, tiếng cười nói của bà con vui tươi khi ra đồng thu hoạch lúa vụ đông - xuân.

Anh Đổng Văn Vụ, thôn Phước Đồng 1, chia sẻ: Vụ lúa đông - xuân 2021-2022, gia đình tôi xuống giống 2,7 sào lúa, sau những ngày nghỉ lễ, cả nhà tranh thủ ra đồng thu hoạch để kịp làm đất xuống giống vụ hè - thu. Vụ đông - xuân năm nay mặc dù bị ảnh hưởng của những đợt mưa cuối tháng 4, nhưng năng suất lúa đạt trên 6 tấn/ha, với giá bán lúa khô khoảng 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi được hơn 30 triệu đồng/ha. Còn tại xã Phước Thuận, nhiều nông dân cũng tích cực ra đồng chăm sóc cây nho, táo sau đợt nghỉ lễ. Anh Nguyễn Duy Luân, thôn Phước Khánh cho biết: Gia đình sản xuất 2 sào nho đang thời kỳ ra trái, do đợt mưa vừa rồi làm trái nho bị nứt và rụng, nên sau khi nghỉ lễ gia đình tranh thủ thời tiết nắng ráo cắt tỉa những trái nho bị nứt và phun thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế các loại bệnh gây hư hại nho.

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch lúa vụ đông - xuân 2021-2022. Ảnh: T.Mạnh

Theo kế hoạch, vụ hè - thu, huyện Ninh Phước xuống giống 8.490 ha. Trong đó, cây lúa 4.424 ha; cây bắp 747 ha; cây nho, táo 1.194 ha. Huyện đang chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung vận động nông dân gấp rút thu hoạch lúa vụ đông - xuân, làm đất, chuẩn bị nguồn giống để xuống giống vụ hè - thu đảm bảo tiến độ gieo trồng đúng khung lịch thời vụ.

* Sau kỳ nghỉ lễ, nông dân huyện Thuận Bắc đang khẩn trương bắt tay vào công việc đồng áng, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ hè - thu 2022 đạt kết quả cao.

Theo đánh giá của nông dân địa phương, đây là vụ lúa được dự báo sẽ gặp khó khăn nhất định, trước diễn biến khó lường của thời tiết, cùng với đó là giá phân bón tiếp tục tăng cao. Anh Nguyễn Ngọc Hiếu, ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, chia sẻ: Gia đình hiện đang canh tác 2 ha lúa, vụ đông - xuân vừa qua, thu hoạch năng suất trung bình đạt 6 tấn/ha, nhờ giá lúa cao nên sau khi trừ chi phí, mang lại thu nhập khá. Để tiêp tục sản xuất vụ hè - thu thắng lợi, sau nghỉ lễ, các thành viên trong gia đình đã ra đồng, thuê máy cày đất, vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ, dự kiến ngày 15-5 sẽ bắt đầu xuống giống. Tại xã Bắc Sơn, không khí lao động cũng hết sức khẩn trương, các thành viên trong tổ theo nước nội đồng tích cực phát quang cỏ, gia cố lại kênh mương, giúp nông dân thuận lợi trong việc đưa nước vào ruộng. Anh Sầm Văn Tim, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: Hiện nay, bà con ở các thôn đang tập trung vệ sinh đồng ruộng, thực hiện cày xới đất tại những khu vực trồng lúa. Các diện tích không chủ động nước tưới, xã hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây ngắn ngày có khả năng thích ứng tốt trước thời tiết nắng hạn.

Huyện Thuận Bắc đang chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết để xây dựng kế hoạch, phương án gieo trồng vụ hè - thu phù hợp; tuyên truyền, vận động người dân đẩy nhanh khâu làm đất để tiêu diệt mầm bệnh tồn lưu trên đồng ruộng, khi có kế hoạch cụ thể, tập trung xuống giống đồng loạt, không để trên cùng một cánh đồng có nhiều trà lúa đan xen...

* Tranh thủ thời tiết có mưa, độ ẩm trong đất tăng cao, nông dân trên địa bàn huyện Bác Ái tranh thủ ra đồng xuống giống, chăm sóc các loại cây trồng vụ hè - thu với niềm tin thu được nhiều thắng lợi. Có mặt tại cánh đồng trồng mỳ xã Phước Tiến trong những ngày đầu tháng 5, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc của bà con rất nhộn nhịp. Bà Chamaléa Thị Thuận, ở thôn Mã Tiền, chia sẻ: Mấy ngày qua nhờ thời tiết thuận lợi gia đình tôi tranh thủ thuê máy cày làm đất và thuê nhân công để xuống giống mỳ cho kịp thời vụ. Hy vọng trong những ngày tới trời tiếp tục có mưa để cây mỳ phát triển tốt, đạt năng suất cao. Trên các cánh đồng trồng mỳ ở các xã Phước Đại, Phước Chính, Phước Thắng, Phước Tân, Phước Hòa... những ngày này nông dân cũng đang tranh thủ xuống giống mỳ với không khí rất nhộn nhịp và khẩn trương sau những trận mưa “vàng” vừa qua.

Gia đình bà Chamaléa Thị Thuận ở thôn Mã Tiền, xã Phước Tiến (Bác Ái) xuống giống mỳ. Ảnh: K. Hân

Vụ hè - thu năm nay, căn cứ vào lượng nước ở các hồ chứa trên địa bàn, huyện Bác Ái đã xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết cho từng xã, đồng thời khuyến cáo nông dân tuân thủ kế hoạch gieo trồng và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng các giống cây trồng sử dụng ít nước nhưng vẫn mang lại hiệu quả cao. Trên cơ sở lượng nước tích trữ hiện có, huyện đã chỉ đạo các xã xuống giống vụ hè - thu với diện tích trên 2.000 ha cây trồng các loại, trong đó, lúa khoảng 500 ha. Đối với những vùng đất gò, đồi không chủ động nguồn nước tưới, huyện chỉ đạo các địa phương vận động nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng chịu hạn tốt như: Bắp, mỳ, đậu, mè... trong đó, cây bắp địa phương, bắp lai và cây mỳ là hai loại cây trồng có khả năng chịu hạn cao được bố trí diện tích canh tác trên 1.000 ha. Để sản xuất vụ hè - thu có hiệu quả, huyện lên phương án điều tiết nước hợp lý và tiết kiệm; chỉ đạo các xã tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nông dân xuống giống đúng thời vụ và cơ cấu giống theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt chỉ tiêu giao. Giao Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường phối hợp với UBND các xã tích cực kiểm tra, theo dõi tình hình sâu bệnh, thực hiện kịp thời biện pháp phòng trừ sâu bệnh; hướng dẫn người dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật như sử dụng đại trà các giống mới có khả năng kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất, chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế...

* Sau những ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, người lao động (NLĐ) tại các đơn vị, doanh nghiệp (DN) phấn khởi trở lại làm việc. Ghi nhận tại một số DN có đông lao động, 100% công nhân đã trở lại lao động sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: Uyên Thu

Tại Công ty TNHH May Tiến Thuận, sau 3 ngày nghỉ lễ, ngày 3-5, 100% công nhân lao động đã có mặt tại Công ty làm việc. Thời gian qua, nhờ sự đồng lòng, chung sức của cả tập thể NLĐ, Công ty thực hiện các giải pháp linh hoạt, hiệu quả phòng, chống dịch COVID-19 và đạt được kết quả tích cực trong sản xuất, kinh doanh (SXKD). Riêng trong quý I, giá trị gia công đạt 1.894 ngàn USD, đạt 23% kế hoạch năm, tăng 49% so với cùng kỳ. Doanh thu trên 37 tỷ đồng, đạt 20% kế hoạch năm, tăng 40% so với cùng kỳ. Tiền lương bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 16%.

Ông Nguyễn Thanh Diệp, Giám đốc Công ty cho biết: Có được kết quả trên là nhờ nguồn hàng sản xuất, nhu cầu tiêu dùng ở thị trường truyền thống tăng trở lại sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có nhiều khách hàng mới ký kết hợp đồng gia công sản phẩm. Ngoài ra, nguồn lao động ổn định; công ty cũng đã sắp xếp lại mô hình hoạt động cải tiến cấu trúc chuyền đảm bảo được dòng chảy thông suốt, hạn chế được những sai sót, lãng phí trong quá trình SXKD.

Hiện nay, công ty đang tuyển và đào tạo thêm lao động để đáp ứng nhân lực chuẩn bị đưa vào hoạt động thêm 1 phân xưởng mới, trước mắt với 3 dây chuyền sản xuất. Dự kiến đến cuối năm, sẽ tiếp tục đưa thêm 6 dây chuyền đi vào hoạt động. Ngoài ra, công ty tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các giải pháp cải tiến, phòng ngừa rủi ro, loại bỏ lãng phí, ứng dụng triệt để các thành quả cải tiến vào hoạt động sản xuất, rút ngắn quy trình chế tạo từ 5-10% thời gian. Thực hiện các chính sách thu hút và ổn định nguồn lực lao động để tăng năng lực sản xuất... nhằm nâng cao hiệu quả SXKD, tăng doanh thu, lợi nhuận, nâng cao thu nhập, đời sống cho NLĐ.

Ghi nhận tại Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt, 100% công nhân lao động cũng hết sức phấn khởi trở lại làm việc sau đợt nghỉ lễ. Chị Phan Thị Thanh Thúy, công nhân Tổ Gọt - Kiểm nhà máy chế biến nha đam chia sẻ: Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Ban lãnh đạo công ty vẫn luôn cố gắng thực hiện các giải pháp duy trì hoạt động SXKD, việc làm và thu nhập cho NLĐ. Hiện nay, công việc trở lại hoạt động bình thường, việc làm, thu nhập của anh chị em cũng được nâng lên, tạo động lực, phấn khởi và tình cảm gắn bó của NLĐ đối với DN.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Công ty cho biết: Để duy trì và phát triển hoạt động SXKD, công ty đang tập trung mở rộng vùng nguyên liệu tại các huyện: Thuận Bắc, Ninh Sơn với tổng diện tích 20 ha, đáp ứng công suất chế biến 120 tấn/ngày. Ngoài ra, công ty đang hoàn thiện quy trình sản xuất cũng như các điều kiện để phấn đấu cuối quý II cho ra các các mặt hàng mỹ phẩm chiết xuất từ cây nha đam và các sản phẩm từ tổ yến, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho thêm nhiều lao động ở địa phương.

Đồng chí Trần Văn Đông, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Nhằm hỗ trợ các DN triển khai thực hiện tốt các giải pháp linh hoạt, hiệu quả ứng phó dịch COVID-19 trong điều kiện “bình thường mới” và khôi phục SXKD, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn tích cực tham mưu, phối hợp ban lãnh đạo, chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho NLĐ thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch, đồng thời hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất; đặc biệt, tập trung các giải pháp, hoạt động thực hiện tốt an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ; cải thiện môi trường làm việc, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022, tạo mối quan hệ hài hòa, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của DN, việc làm, thu nhập, đời sống của NLĐ.