Tự hào những Mẹ Việt Nam anh hùng

Chiến tranh đã lùi xa. Quê hương Ninh Thuận sau 47 năm giải phóng, 30 năm tái lập tỉnh, nay đã khoác lên mình diện mạo mới với bao đổi thay diệu kỳ. Xen lẫn với niềm tự hào, mỗi người dân “xứ nắng” đều tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc đến các Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) - Những người Mẹ anh hùng sinh ra những người con anh hùng.

Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thiểu, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải (Ninh Hải). Dáng người nhỏ nhắn, nhưng câu chuyện về mẹ lại rất lớn lao. Mẹ chia sẻ với chúng tôi, cả chồng và con mẹ đều là những anh hùng. Chồng mẹ (liệt sĩ Võ Chắc) hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, để lại cho mẹ 4 người con. Hay tin người chồng thân yêu hy sinh, lòng Mẹ càng căm thù giặc sâu sắc. Cố nén nỗi đau, Mẹ tiếp tục động viên các con tiếp nối truyền thống gia đình, góp sức trẻ cùng đất nước chống giặc, cứu nước. Noi gương cha, tháng 11-1971, vừa tròn 17 tuổi, anh Võ Văn Dân thoát ly lên đường nhập ngũ tại huyện đội Thuận Bắc. Một năm sau, Mẹ lại nhận tin con trai hy sinh. Đau đớn lắm nhưng cũng tự hào lắm vì con trai của mẹ cũng như hàng vạn người con của các bà mẹ khác đã hy sinh vì nền hòa bình, độc lập của đất nước. Những hy sinh đó cũng đến ngày đơm hoa kết trái, máu của những người đã ngã xuống tô thắm lá cờ Tổ quốc. Mỗi lần có ai nhắc đến chồng và con, Mẹ Thiểu lại mỉm cười tự hào với hai dòng nước mắt: “Ước gì họ còn sống để thấy được ngày quê hương giải phóng, cùng Mẹ an vui trong những ngày xế chiều”. Giờ đây, Mẹ đang sống yên vui bên cháu, chắt và trong sự đùm bọc, chăm sóc của địa phương.

Đoàn Thanh niên Công an tỉnh thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thiểu, thôn Phương Cựu, xã Phương Hải (Ninh Hải).

Cũng gánh chịu nỗi đau chồng và con hy sinh, Mẹ VNAH Lê Thị Hự, thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná (Thuận Nam) chỉ biết “khóc thầm lặng lẽ”, nén chặt nỗi lòng vừa làm mẹ, vừa làm cha. Tuy đã bước sang tuổi 94, nhưng đôi mắt Mẹ vẫn tinh anh, dáng người nhanh nhẹn và đặc biệt trí nhớ Mẹ vẫn còn minh mẫn. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng của tỉnh Phú Yên, Mẹ Lê Thị Hự sớm nung nấu lòng căm thù giặc, quyết tâm làm cách mạng để bảo vệ quê hương. Bị địch bắt và tra tấn dã man, nhưng trước sau như một, Mẹ vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chồng Mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Hiệu, cũng là cán bộ tham gia cách mạng. Năm 1966, ông bị địch bắt, tra tấn dã man rồi xử bắn tại quê nhà khi mới 29 tuổi. Con trai đầu của Mẹ là Nguyễn Hường tham gia vào đội du kích xã và anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Sôi sục lòng căm thù giặc, Mẹ nén đau thương cùng 3 con (2 trai, 1 gái) tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng và 2 người con trai trong số đó đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc (Liệt sĩ Nguyễn Sơn, hy sinh khi mới 20 tuổi, Liệt sĩ Nguyễn Lâm, hy sinh khi vừa tròn 18). Từ nỗi đau mất con đã chuyển thành sức mạnh tinh thần, Mẹ vẫn một lòng nuôi giấu cán bộ, tìm cách tiếp tế lương thực, vũ khí cho cách mạng. Sau ngày giải phóng, Mẹ cùng những người con còn lại tiếp tục lao động, sản xuất, tham gia xây dựng quê hương. Ở tuổi xưa nay hiếm, mẹ Hự vẫn khỏe mạnh, tươi vui với nụ cười thật đôn hậu vì mẹ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm. Giờ đây, mẹ mong sao được sống lâu hơn để nhìn thấy quê hương ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng ấm no.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hự đọc tư liệu về các Mẹ Việt Nam anh hùng tự hào về truyền thống gia đình.

Những câu chuyện của các Mẹ VNAH, khiến chúng ta thêm trân quý giá trị hòa bình. Càng ngưỡng mộ hơn tinh thần “thép” của những người Mẹ chấp nhận chia ly, tiễn chồng, con lên đường để rồi ngày đêm lặng lẽ chăm sóc gia đình, làm hậu phương cho tuyến đầu; không ngại hiểm nguy, âm thầm nuôi giấu cán bộ, làm liên lạc, tiếp lương, tải đạn. Sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã góp phần không nhỏ làm nên những trang sử vàng của dân tộc. Dẫu chịu nhiều mất mát, đau thương, nhưng trong mắt các Mẹ vẫn rạng ngời niềm hạnh phúc trước sự chăm lo của Đảng và Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cho biết: Toàn tỉnh có 518 Mẹ đã được Nhà nước phong và truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH, nhưng đến nay chỉ còn sống 4 Mẹ. Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ VNAH có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực. Từ phong trào “Áo lụa tặng bà” của các cháu thiếu nhi, đến việc nhận phụng dưỡng Mẹ VNAH suốt đời của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, hay việc xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, trao sổ tiết kiệm cho các Mẹ VNAH đã khẳng định truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Hôm nay đây, có những Mẹ đã về với tổ tiên, có những Mẹ vẫn còn được thấy đất nước chuyển mình, thay da đổi thịt, con cháu trưởng thành, hăng say học tập, cống hiến sức mình cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp. Với các Mẹ, có lẽ đây là món quà quý giá nhất sau những mất mát, hy sinh cùng dân tộc.