Năm 1992, khi mới tái lập tỉnh hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ, các tuyến đường đi qua khu vực thị trấn, thị tứ; các xã vùng sâu, vùng xa bị chia cắt, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Nhưng đến nay, tổng chiều dài của các tuyến đường bộ trong tỉnh đã tăng lên 1.531 km. Trong đó, hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý là 1 tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đang được triển khai thi công; 3 tuyến Quốc lộ (QL) với tổng chiều dài 175,5 km, gồm: Tuyến QL 1A dài 64,5 km, QL 27 dài 66 km và QL 27B dài 44 km; tỉnh quản lý 14 tuyến đường với tổng chiều dài 321,019 km; giao thông đô thị phát triển được 339,32 km và khoảng 476,68 km đường liên xã. Nhờ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao thương, phục vụ phát triển sản xuất.
Cầu An Đông (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Văn Miên
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Xác định giao thông là “huyết mạch” để kết nối giao thương phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm đầu tư mạng lưới giao thông. Cùng với nguồn vốn của Trung ương và các nguồn vốn huy động khác, tỉnh đã đầu tư xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại. Những công trình giao thông quan trọng, cấp thiết được đầu tư xây dựng đã kết nối giao thương giữa các vùng, miền trong và ngoài tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường ven biển Bình Tiên - Cà Ná với chiều dài trên 100 km; tuyến đường Ninh Bình - Phước Bình dài 39 km, đường Phước Sơn – Hòa Sơn dài 20 km, đường từ QL 27 đi xã Ma Nới dài 16 km; QL 1A đoạn truyến tránh Tp. Phan Rang - Tháp Chàm dài 8,3 km; đường đôi vào Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đoạn phía Bắc dài 1,9 km...và một số tuyến tỉnh lộ nối liền các địa phương vùng miền như: Tỉnh lộ 703, 705, 706 và 707; đường Kiền Kiền - Mỹ Tân, đường Phước Đại - Phước Trung, đường Ba Tháp - Suối Le - Phước Kháng...
Song song với đầu tư phát triển các tuyến đường trọng điểm, tỉnh còn quan tâm phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, miền núi gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” tỉnh đã tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và nhất là sự nỗ lực của Nhân dân trên địa bàn tỉnh để đầu tư phát triển giao thông nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng được hơn 353 km đường liên thôn, khu phố, xóm, nội đồng. Đặc biệt, 100% số xã trong toàn tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Ngoài ra, từ nguồn Quỹ bảo trì đường bộ được phân bổ hằng năm, Sở Giao thông vận tải còn tổ chức triển khai thực hiện công tác duy tu, bảo trì kịp thời các tuyến đường, đảm bảo chất lượng thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, tạo động lực thúc đẩy KT-XH vùng nông thôn, nhất là khu vục các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Hạ tần giao thông Tp.Phan Rang-Tháp Chàm được đầu tư đồng bộ tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thương. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Nguyễn Văn Vinh, cho biết thêm: Nhìn lại chặng đường qua 30 năm nỗ lực phấn đấu phát triển hạ tầng giao thông, đến nay hệ thống giao thông của tỉnh tương đối đồng bộ, liên thông, đảm bảo sự bền vững, hiệu quả, bước đầu đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng; giữ vai trò kết nối giao thông của tỉnh với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và cả nước; đảm bảo phục vụ chiến lược phát triển KT-XH và quốc phòng, an ninh. Để phát triển đồng bộ hệ thống giao thông, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo tiếp tục đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, cảng biển theo hướng liên thông đa mục tiêu, tập trung phát triển giao thông nội tỉnh kết nối với các tuyến cao tốc Bắc - Nam, QL 1A, QL 27, tuyến đường ven biển... Trong đó, tập trung phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, tăng mật độ đường, bổ sung các cầu kết nối, tăng chiều dài tuyến đường cấp cao, nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông đường bộ. Tập trung nâng cấp các tuyến QL, đường tỉnh, một số tuyến đường huyện, đầu tư mở rộng mới một số tuyến đường phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, năng lượng với khu vực dân cư, đô thị, du lịch. Tập trung đường giao thông đối ngoại, mở rộng không gian mới để phát triển công nghiệp, dịch vụ. Quy hoạch các tuyến đường đảm bảo quy mô, cấp đường trong từng giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Phấn đấu đến năm 2025 xây dựng mới 107,15 km đường giao thông, nâng chiều dài tuyến đạt 1.531 km và đến năm 2030 toàn tỉnh đạt được 1.845 km đường giao thông chính.
Tiến Mạnh