Ngày Quốc tế về rừng (21-3): Trồng và bảo vệ rừng - tiền đề để phát triển bền vững

Rừng - “mái nhà” của muôn loài

Rừng che phủ một phần ba diện tích lục địa, thực hiện nhiều chức năng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự sống trên hành tinh. Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ôxy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra.

Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc tích trữ nước cho các dòng sông, là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới. Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán…

Tầm quan trọng của rừng còn thể hiện ở chỗ, rừng là hệ sinh thái có giá trị đa dạng lớn nhất và là nơi sinh sống của hơn một nửa các loài động vật, thực vật và côn trùng trên cạn.

Rừng cũng cung cấp nơi ở, việc làm, tạo an ninh sinh kế và các nền văn hóa liên quan đến những cộng đồng định cư trong khu vực rừng. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là yếu tố quyết định sự sống còn của hơn bảy tỷ dân trên hành tinh.

Những giá trị của rừng đối với cuộc sống là rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, rừng đang bị con người tàn phá một cách nghiêm trọng.

Trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển. Ảnh minh họa

Sẽ không phải là quá muộn để chúng ta bắt đầu xây dựng một cuộc sống xanh trong tương lai, mà ở đó những cánh rừng là trọng tâm của sự phát triển bền vững và các nền kinh tế xanh.

Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm

Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ rừng là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững.

Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Mỗi năm thế giới có hơn 13 triệu ha rừng bị mất.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.

Độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.

Trồng và bảo vệ rừng: tiền đề để phát triển bền vững

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chỉ hơn 5 năm (2012-2017), diện tích rừng tự nhiên bị mất do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được duyệt chiếm 89% tổng diện tích rừng giảm; còn lại là do phá rừng trái pháp luật làm mất 11%.

Đáng lưu ý, một số vụ phá rừng nghiêm trọng ở một số tỉnh được phát hiện chậm và chính việc xử lý thiếu kiên quyết, không nhất quán, thậm chí có biểu hiện né tránh trách nhiệm, làm ngơ, tiếp tay cho người phá rừng, gây thiệt hại lớn đối với tài nguyên rừng.

Theo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Về môi trường, quản lý rừng bền vững, bảo tồn lâu dài tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo đảm an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, chống suy thoái đất đai, giảm thiểu tác động tiêu cực của thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, cung ứng dịch vụ môi trường rừng...

Trong thời gian qua, Nhà nước đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng.

Với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.

Đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát động Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án huy động các lực lượng trong cả nước cùng nhau trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, cùng hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung. Đề án ra đời đã góp phần khích lệ nỗ lực phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và đẩy nhanh quá trình xanh hóa khu vực đô thị và nông thôn Việt Nam..

Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.

Sau một năm triển khai thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh”, cả nước đã trồng được 277.000 ha rừng tập trung và gần 100 triệu cây phân tán (vượt 10% so với kế hoạch). Về tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, so với các năm trước, đây là con số có thể thấy tăng về trữ lượng rừng không lớn, nhưng con số này năm 2021 rất có ý nghĩa do toàn ngành đang tiến tới nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Thứ hai là cơ cấu các loại rừng, gồm: rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng sản xuất sẽ bố trí phù hợp hơn. Bên cạnh đó, với 3.300 ha rừng được tăng trong năm 2021 là hầu như tăng về rừng đặc dụng và phòng hộ là chủ yếu.

Trong năm 2022, toàn ngành lâm nghiệp phấn đấu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 102,81%; trồng rừng đạt 244.000 ha, trồng cây phân tán 121,6 triệu cây. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 16,3 tỷ USD. Tổng sản lượng khai thác gỗ đạt 31,5 triệu m3, trong đó, khai thác từ rừng trồng tập trung 21 triệu m3, khai thác cây trồng phân tán, cây vườn nhà 5,5 triệu m3…

Theo TTXVN