Ngày 25-5-2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-BTP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15-11-2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý và hướng dẫn giấy tờ trong hoạt động trợ giúp pháp lý; Thông tư số 12/2018/TT-BTP ngày 28-8-2018 hướng dẫn một số hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý và quản lý chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý (Thông tư số 03/2021/TT-BTP). Cụ thể:
1. Về sửa đổi, bổ sung một số quy trình về lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện Trợ giúp pháp lý.
Thời hạn nộp hồ sơ: Theo Thông tư số 08/2017/TT-BTP ngày 15-11-2017 thì thời hạn quy định trong Thông báo để luật sư, tổ chức nộp hồ sơ tối thiểu là 20 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải; Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định thời hạn nộp hồ sơ được quy định cụ thể trong thông báo, tối thiểu là 20 ngày, tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày thông báo được đăng tải.
Bổ sung hình thức nộp hồ sơ qua thư điện tử: Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định 2 hình thức nộp hồ sơ lựa chọn luật sư, tổ chức là nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính. Để thuận tiện hơn cho luật sư/tổ chức, Thông tư số 03/2021/TT-BTP bổ sung thêm hình thức nộp hồ sơ qua thư điện tử. Thời điểm nộp hồ sơ là thời điểm hồ sơ đã gửi đến thư điện tử của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp. Nếu thời điểm hồ sơ gửi đến thư điện tử của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước ngoài giờ hành chính thì thời điểm nộp được tính là thời điểm bắt đầu từ ngày, giờ hành chính kế tiếp.
Trường hợp nộp hồ sơ qua thư điện tử thì khi đến ký hợp đồng luật sư/tổ chức phải nộp đầy đủ hồ sơ nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin khi Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý đối với luật sư, tổ chức.
Hồ sơ lựa chọn được giảm bớt thành phần tài liệu: Thông tư số 08/2017/TT-BTP quy định thành phần hồ sơ lựa chọn luật sư, tổ chức gồm 3 thành phần tài liệu chính, gồm: Giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; Bản sao thẻ luật sư (đối với luật sư), Bản sao Giấy đăng ký hoạt động (đối với tổ chức); Bản giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý (đối với luật sư); Bản giới thiệu về tổ chức và hoạt động của tổ chức tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, trong đó nêu rõ số luật sư, số tư vấn viên pháp luật làm việc tại tổ chức (kèm theo bản sao thẻ luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật), vụ việc tham gia tố tụng, kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý, cơ sở vật chất và các nội dung khác (đối với tổ chức). Thông tư số 03/2021/TT-BTP đã gộp giấy đề nghị tham gia lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với bản giới thiệu về quá trình hành nghề của luật sư, vụ việc tham gia tố tụng; kinh nghiệm tham gia trợ giúp pháp lý của luật sư/tổ chức vào 01 giấy để bao quát, đầy đủ hơn.
Giảm thời gian đánh giá hồ sơ và ký hợp đồng với luật sư, tổ chức: Thời gian đánh giá hồ sơ là 10 ngày (giảm 5 ngày so với quy định hiện hành), trường hợp cần thiết thì có thể kéo dài thời gian đánh giá nhưng không quá 3 ngày làm việc (giảm 2 ngày so với quy định hiện hành).
Bỏ quy trình ký phụ lục hợp đồng: Bỏ quy định về phụ lục hợp đồng để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư, tổ chức trong quá trình ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý. Việc thỏa thuận các điều khoản cụ thể do các bên chủ động thỏa thuận.
Sửa đổi quy định chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện của luật sư, tổ chức ký hợp đồng khi chấm dứt hợp đồng: Đối với tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, khi chấm dứt hợp đồng, Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định: “Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý được Sở Tư pháp giao để tiếp tục thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật Trợ giúp pháp lý”.
Thông tư số 03/2021/TT-BTP quy định Đối với cá nhân (luật sư, cộng tác viên) khi chấm dứt hợp đồng: “Khi chấm dứt hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, cá nhân chuyển hồ sơ vụ việc đang thực hiện cho Trung tâm. Trung tâm phân công người thực hiện trợ giúp pháp lý để tiếp tục thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý”.
2. Thay đổi người hướng dẫn tập sự và sửa đổi thời gian kiểm tra viết.
Nhằm tạo cơ chế để người tập sự có quyền yêu cầu thay đổi người hướng dẫn tập sự trong các trường hợp: Người hướng dẫn tập sự chuyển công tác, nghỉ việc, thôi việc, buộc thôi việc, chết hoặc vì lý do sức khoẻ hoặc các lý do khác mà không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự trợ giúp pháp lý. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị thay đổi người hướng dẫn tập sự, người đứng đầu Trung tâm có trách nhiệm xem xét, quyết định. Đồng thời, sửa đổi thời gian kiểm tra viết từ 120 phút lên 180 phút trong việc kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý. Kiểm tra viết, bao gồm: kiểm tra kiến thức pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, trợ giúp pháp lý; kỹ năng tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật.
3. Về nghĩa vụ tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc của Trợ giúp viên pháp lý.
Nhằm bảo đảm vấn đề bình đẳng giới của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, trong đó có trợ giúp viên pháp lý là nữ không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong trường hợp họ đang nuôi con từ 6 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi. Thông tư số 03/TT-BTP bổ sung thêm quy định: Trợ giúp viên pháp lý thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không phải tham gia tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc trong năm: Nghỉ thai sản; Trợ giúp viên pháp lý là nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, các trường hợp quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội”
4. Về Quản lý, cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý
Nhằm bảo đảm được tính thống nhất về mẫu hóa trong toàn quốc, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm tránh trường hợp từng địa phương tự in ấn gây lãng phí, khó thống nhất mẫu chung.
Cục Trợ giúp pháp lý thống nhất quản lý, cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý trong toàn quốc.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ của Sở Tư pháp, Trung tâm về việc cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý thực hiện việc cấp, cấp lại phôi thẻ trợ giúp viên pháp lý và phôi thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
5. Về trách nhiệm thẩm định, đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý
Việc thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý do người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức mình thực hiện nhằm có giải pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý. Việc thẩm định chất lượng vụ việc trên cơ sở yêu cầu thực tiễn và các tiêu chí quy định tại Điều 16 Thông tư này. Việc xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý và kết quả xác định vụ 8 việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công được thể hiện bằng văn bản và lưu hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý.
Sở Tư pháp có trách nhiệm quản lý và tổ chức đánh giá chất lượng vụ việc tham gia tố tụng, chất lượng vụ việc đại diện ngoài tố tụng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công của các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương. Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc dựa trên một trong các căn cứ sau đây: Theo chương trình, kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý; Vụ việc đã được tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả bị phản ánh, kiến nghị với Sở Tư pháp vì cho rằng vụ việc trợ giúp pháp lý chưa bảo đảm chất lượng, hiệu quả; Các vụ việc khác để phục vụ công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Việc đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý: Căn cứ vào yêu cầu thực tiễn của công tác quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý, Cục Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để xác định vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng thành công, trong đó xác định phạm vi; tỷ lệ vụ việc; cách thức tiến hành đánh giá, xác định và các điều kiện cần thiết khác (nếu có). Kết quả xác định vụ việc tham gia tố tụng thành công được đánh giá thể hiện bằng văn bản”.
6. Trách nhiệm thông tin, giới thiệu về trợ giúp pháp lý của Phòng Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp xã
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công dân, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến Trung tâm. Trường hợp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý là người bị buộc tội, bị hại, đương sự trong các vụ việc tham gia tố tụng cư trú trên địa bàn thì UBND cấp xã giới thiệu theo mẫu số 13 ban hành kèm theo Thông tư này”.
Ngọc Phương