Luật HTX năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2012, chính thức có hiệu lực từ 1-7-2013. Để Luật HTX thực sự đi vào cuộc sống, những năm qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai sát với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh, từng bước đầu làm thay đổi nhận thức trong hệ thống chính trị và người dân về vai trò quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, HTX trong các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các HTX.
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Luật HTX năm 2012 đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế tập thể, HTX trên nhiều mặt. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân về kinh tế tập thể, HTX đã được nâng lên. Có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú. Các thành viên HTX cơ bản nắm được bản chất của Luật HTX năm 2012 thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn của các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế tập thể. Thành viên HTX đã tuân thủ các quyền và nghĩa vụ của mình. Số lượng HTX áp dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều; trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã được nâng lên, nhiều cán bộ tâm huyết, có kinh nghiệm, nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh của HTX.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị Xúc tiến cung - cầu
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2020. Ảnh: V.Nỷ
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 97 HTX đang hoạt động, tăng 46,9% so năm 2013, với vốn đăng ký 107,4 tỷ đồng, bình quân 1,1 tỷ/HTX; tổng số thành viên của HTX có khoảng 19.360 thành viên, trong đó số thành viên là cá nhân là 5.723 người, tăng 4,1% so năm 2013, số thành viên là đại diện hộ gia đình là 13.637, số thành viên mới tham gia vào HTX là 310 người; số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 600 người, tăng 2,2 lần so năm 2013, số lao động đồng thời là thành viên HTX 380 người, tăng 2 lần so năm 2013.
Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX cũng được nâng lên rõ rệt. Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường giúp các HTX tìm kiếm đối tác, lưu thông hàng hóa. Trong giai đoạn 2013-2021, tỉnh đã hỗ trợ 25 lượt hợp tác xã tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm hỗ trợ cho các sản phẩm tiềm năng của HTX trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá sản phẩm, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng trên cả nước; tổ chức 29 lượt HTX tham gia các hội nghị kết nối cung cầu giữa tỉnh ta với các tỉnh bạn, với tổng kinh phí hỗ trợ là 323 triệu đồng. Thông qua các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, các sản phẩm và đặc sản của tỉnh bước đầu được người tiêu dùng nhận diện và đánh giá cao về nhãn hiệu, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, đã hỗ trợ cho các HTX tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương đến người tiêu dùng và hỗ trợ thông tin, kết nối các HTX cung ứng hàng hóa sản phẩm vào các điểm bán sản phẩm đặc thù của tỉnh như: Cơ sở Vang nho Thiên Thảo, Khu du lịch Hang Rái và Khu du lịch tháp Pôklông Garai.
Thành viên HTX Tuấn Tú xã An Hải (Ninh Phước) phân loại măng tây xanh cung ứng ra thị trường. Ảnh: Sơn Ngọc
Công tác hỗ trợ hướng dẫn HTX ứng dụng khoa học và công nghệ được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, công nghệ tưới tiết kiệm, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, xây dựng thương hiệu. Trong giai đoạn 2013-2021, đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho 22 sản phẩm và ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc cho 12 sản phẩm đặc thù của tỉnh; hỗ trợ cho 23 HTX, THT đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể; hỗ trợ cho 100 lượt tổ chức, HTX, THT tham gia bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, hỗ trợ hoạt động áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia, tham gia Hội chợ Công nghệ và thiết bị, sự kiện kết nối “cung - cầu”, ứng dụng đổi mới công nghệ; hỗ trợ cho 28 HTX, THT ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp Tốt (VietGAP), với tổng mức kinh phí hỗ trợ là 8.156,5 triệu đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí của Chương trình bảo hộ tài sản trí tuệ quốc gia ở địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ cho tỉnh để triển khai thực hiện 3 dự án phát triển tài sản trí tuệ cho các HTX, THT, Hiệp hội, làng nghề, với tổng mức kinh phí hỗ trợ là 2 tỷ đồng. Dự án SNV đã hỗ trợ mô hình tưới tiết kiệm vùng trồng rau màu ở HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước) quy mô 55 ha; HTX Nông nghiệp Châu Rế (xã Phước Hải, Ninh Phước) 56 ha.
Đặc biệt, từ khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo quy định của Luật HTX 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã phát triển với nhiều hình thức đa dạng, dần thích ứng với những thay đổi của thị trường, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách. Đến cuối năm 2020, kinh tế tập thể đóng góp 8,2% GRDP của tỉnh. Từ đó, vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX ngày càng thể hiện rõ nét và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Các HTX chấp hành tốt các quy định của pháp luật và sự phát triển của phong trào HTX; hợp tác quốc tế về phát triển HTX ngày càng được tăng cường nhất là việc học tập kinh nghiệm, tiếp thu các hỗ trợ kỹ thuật phát triển trong việc thành lập và nâng cao năng lực HTX.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, tỉnh ta tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật HTX năm 2012 và nâng cao năng lực nguồn lực HTX. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX. Đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hoạt động của kinh tế tập thể, HTX. Xây dựng, triển khai kế hoạch lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh.
Hồng Nguyệt