Thuận Bắc: Đa dạng hóa cây trồng trên vùng đất chuyển đổi

Đa dạng hóa cây trồng trên vùng đất chuyển đổi, hướng tới nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản, mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất, là những mục tiêu quan trọng mà huyện Thuận Bắc đang quyết tâm thực hiện, nhằm khắc phục khó khăn trong sản xuất trước tác động của biến đổi khí hậu.

Huyện Thuận Bắc là địa phương nằm trong khu vực khô hạn của tỉnh, mặc dù trên địa bàn có nhiều hệ thống thủy lợi, sông suối, hồ đập nhưng đa phần nhỏ, có độ dốc cao; một số vùng sản xuất thuộc gò đồi, xa nguồn nước nên điều kiện canh tác gặp khó khăn nhất định. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Trước yếu tố bất lợi trên, hằng năm, ngành Nông nghiệp huyện đều tổ chức rà soát, căn cứ vào lượng nước tích trữ tại các hồ chứa để xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng vụ. Ngoài việc duy trì diện tích trồng lúa phù hợp, địa phương đã tập trung triển khai chuyển đổi nhiều loại cây trồng cạn sử dụng tiết kiệm nước, mang tính bền vững, lâu dài gắn liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho nông dân.

Cây nha đam phát triển tốt trên vùng đất lúa thiếu nước, hứa hẹn đem lại thu nhập cao cho nông dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động nông dân đổi mới cách làm kinh tế, cùng với chủ trương hợp lý, cách làm hiệu quả, hoạt động chuyển đổi cây trồng đạt nhiều kết quả, nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trở nên trù phú, tạo nên những cánh đồng sản xuất ổn định. Đơn cử tại xã Lợi Hải, bên cạnh một số cây trồng chuyển đổi truyền thống như bắp, đậu xanh, măng tây xanh, ớt, hành lá, vài năm trở lại đây, nhiều nông hộ đã mạnh dạn chuyển sang trồng mỳ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Katơr Long, ở thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải, chia sẻ: Với 7 sào đất rẫy, trước đây gia đình chỉ quen trồng lúa và một số giống bắp nhưng năng suất đạt thấp, có vụ phải ngưng sản xuất vì thiếu nước. Nhờ được cán bộ xã vận động, tôi cải tạo lại đất chuyển qua trồng mỳ hơn 3 năm nay, sau mỗi niên vụ đều cho thu nhập ổn định hơn. Theo đánh giá của địa phương, mặc dù, có thời điểm giá mỳ lên xuống thất thường, nhưng đây là cây trồng có vốn đầu tư vừa tầm, dễ chăm sóc với bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nên có rất nhiều hộ tham gia trồng. Ban đầu, khi mới phát triển, cây mỳ chỉ cho năng suất 25 tấn/ha, nay sản lượng bình quân mỗi vụ đạt từ 28-30 tấn/ha, tạo thành vùng sản xuất khoảng 100 ha, với các loại giống cao sản như KM 419, KM 140, KM 228.

Song song đó, huyện Thuận Bắc còn tranh thủ nguồn phân bổ từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội... để hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi, bố trí linh hoạt kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, kênh mương nội đồng, tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa nhiều giống cây mới trồng thí điểm và tổ chức nhân rộng đại trà; qua đó, tạo sự phong phú, đa dạng trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng tại địa phương. Vừa qua, Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt liên kết với 35 hộ dân tại thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn trồng 20 ha cây nha đam, đây là cây trồng mới được trồng thử nghiệm trên địa bàn, kết quả bước đầu cho thấy cây phát triển khá tốt, huyện đang tập trung rà soát để làm cơ sở nhân rộng lên 50 ha tại các khu vực lân cận và định hướng mở rộng trồng tại xã miền núi Phước Kháng, mở ra hướng đi mới trong việc nâng thu nhập cho người dân.

Từ linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng, không chỉ giúp người dân tiếp cận được các phương thức sản xuất mới, giảm đáng kể chi phí đầu tư, mà còn làm thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đến nay, ngoài có trên 6.900 ha lúa hưởng lợi từ công trình thủy lợi và các hệ thống trạm bơm, địa phương đã chuyển đổi, mở rộng vùng chuyển đổi cây trồng lên 570 ha, thu nhập từ cây bắp tăng 1,3 lần, cây đậu phộng, cây dưa tăng từ 2-2,5 lần, măng tây xanh tăng 4,5 lần so với trồng lúa... Thúc đẩy giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp bình quân hằng năm tăng 16,4%, chiếm tỷ trọng 22% giá trị sản xuất các ngành.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt trên 105 triệu đồng/ha/năm. Nhằm đạt kết quả trên, huyện Thuận Bắc tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng chuyển đổi nhiều loại cây trồng, tăng cường hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình chuyển đổi phù hợp có giá trị kinh tế cao theo hướng tiết kiệm nước, giao chỉ tiêu cho các xã thực hiện và tổ chức đánh giá kết quả để làm cơ sở sản xuất trên diện rộng.