Để tìm hiểu cho những đổi thay ở một huyện có gần 70% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chúng tôi về các xã vùng cao Phước Kháng, Phước Chiến hòa chung niềm vui với cuộc sống tươi mới của bà con nơi đây. Giữa mênh mông núi đồi, xen lẫn là những rẫy bắp, đồng lúa chín vàng đang vào vụ thu hoạch, khởi nguồn cho sự trù phú ở miền núi. Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, phấn khởi: Xuân năm nay, người dân đã có thêm nhiều ngôi nhà vững chãi, nhiều năm qua, với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng, nguồn vốn, kỹ thuật... bà con đã và đang nỗ lực từng ngày làm kinh tế vườn, vươn lên thoát nghèo. Việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích nghi với nắng hạn đang dần trở thành ý thức không thể thiếu trong mỗi mùa vụ sản xuất của bà con. Theo chân cán bộ nông nghiệp xã tham quan một số mô hình chuyển đổi tại các thôn, mới thấy hết được cách nghĩ, cách làm trong sản xuất giờ đã khác xưa. Qua trò chuyện với chị Katơr Thị Nên, ở thôn Đá Mài Dưới, được biết: Trước đây, gia đình chị chủ yếu trồng lúa, năm nào có mưa thì mới có năng suất. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, được cán bộ xã định hướng, nên chị lựa chọn cây bắp, đậu xanh để trồng thay cho cây lúa từ 3 năm nay, nhờ cây trồng cạn tiết kiệm nước tưới nên sản xuất có phần thuận lợi hơn. Vụ mùa năm nay, gia đình chị vừa thu hoạch bắp được 5 tạ/sào, đậu xanh hiện đang kết trái, vài ngày nữa cho thu hoạch, đón Tết năm nay gia đình sẽ được tươm tất hơn.
Các dự án năng lượng tái tạo đi vào hoạt động đóng góp lớn cho tăng trưởng của huyện Thuận Bắc.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều mô hình mới, các sản phẩm đặc thù có lợi thế của huyện được duy trì và liên tục mở rộng. Tiêu biểu như mô hình cánh đồng lúa mẫu lớn, quy mô 289 ha, sản xuất lúa giống trên 100 ha ở xã Bắc Phong, Công Hải, cho năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha; trồng mì cao sản 40 ha ở xã Lợi Hải, Phước Chiến, năng suất đạt hơn 20 tấn/ha; mô hình trồng măng tây xanh 25 ha ở Lợi Hải, Bắc Sơn, cho thu nhập gấp 4 lần so với trồng lúa... Ngành chăn nuôi cũng có đột phá, các nông hộ tập trung phát triển tổng đàn gắn với trồng cỏ, sản phẩm gia súc, gia cầm ngày càng tạo được tiếng vang, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhìn nhận: Từ linh hoạt trong tổ chức sản xuất cùng với thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ, khích lệ người dân tăng gia lao động sản xuất, cải thiện đời sống; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng lên rõ rệt, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến nay đạt trên 96 triệu/ha. Ngành chăn nuôi chiếm 52,9% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện.
Tô điểm thêm trong bức tranh phát triển sống động ở địa phương trong năm mới cũng phải kể đến lĩnh vực công nghiệp. Từ một huyện thuần nông, Thuận Bắc hôm nay đang trở thành vùng trọng điểm về năng lượng tái tạo phía Bắc của tỉnh. Thông qua hàng loạt chủ trương, chính sách thông thoáng được triển khai, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nhất là các dự án điện gió, điện mặt trời hình thành, biến hàng trăm ha đất hoang hóa, khu vực canh tác kém hiệu quả trở nên có giá trị, tạo việc làm ổn định cho người dân. Đối với các dự án đang triển khai, trên tinh thần chỉ đạo của UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn, các xã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chỉ tính riêng trong năm 2021, huyện đã thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng 16 công trình dự án, với diện tích khoảng 120,68 ha, đạt trên 80%. Đặc biệt hơn, một số sản phẩm công nghiệp chế biến được đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như: Nhà máy Thạch rau câu Sơn Hải, Nhà máy chế biến đá Granit, Nhà máy Xi măng Lusk... Các dự án Khu du lịch Bình Tiên, Khu công nghiệp Du Long, đang tập trung triển khai khi đi vào hoạt động, có đóng góp lớn vào tăng trưởng chung và nguồn thu ngân sách nhà nước, hứa hẹn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế trong tương lai.
Thành công đạt được hôm nay là tiền đề quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện vững bước thực hiện nhiệm vụ trong những năm tiếp theo. Theo đồng chí Phạm Trọng Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc, chủ trương của huyện tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, tranh thủ chính sách hỗ trợ đặc thù của trung ương, của tỉnh để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng thế mạnh ở mỗi khu vực; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện đảm bảo công tác an sinh xã hội.
Huyện Thuận Bắc hôm nay đang có sự chuyển mình rõ nét, mang đến một mùa xuân tươi mới, tràn đầy sức sống.
Hồng Lâm