Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Năm 2021, trong điều kiện rất khó khăn do tình hình dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến hết sức phức tạp, huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân và từng bước ổn định và phát triển KT-XH. Có 7/11 chỉ tiêu và hầu hết nhiệm vụ chủ yếu đạt và vượt so với kế hoạch (KH), nhất là thu ngân sách đạt cao và tăng trưởng giá trị sản xuất các ngành đạt khá.
Trong năm 2021 tổng giá trị sản xuất các ngành trên địa bàn đạt trên 8.842 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 9,93%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 96,5 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu giao; thu nhập bình quân đầu người đạt 57,58 triệu đồng/năm. Nổi bật trên một số mặt đó là huyện đã thực hiện có hiệu quả đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng nâng cao giá trị đối với các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực mà địa phương có lợi thế như: Sản xuất lúa giống, bắp giống, măng tây xanh, nho, táo, cừu và dê, gắn với liên kết doanh nghiệp. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích sản xuất không ngừng tăng lên, đạt gần 200 triệu/ha. Tổng giá trị sản xuất 2.388 tỷ đồng, tăng 7,66% so với năm 2020.
Trung tâm huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Nỷ
Các loại cây trồng chủ lực không ngừng được mở rộng diện tích, tăng cường ứng dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến; toàn huyện hiện có 143,4 ha măng tây xanh, 465 ha nho, 745,7 ha táo; tiếp tục thực hiện 14 cánh đồng lớn với diện tích gần 2.300 ha; triển khai thực hiện 8 dự án với diện tích 88,38 ha/336 hộ nông dân tham gia ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hơn 89,09 ha cây trồng cạn, vượt 51% KH, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp gắn với bao tiêu sản phẩm. Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc đạt 105.683 con, tăng 3,66%; trong đó có tổng đàn heo tăng mạnh đạt 20.000 con theo KH, tăng 17,2%; tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Sản xuất tôm giống đạt sản lượng 10,7 tỷ post, thả nuôi 140 ha, thu hoạch 1.563 tấn tôm thịt...
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng cũng đạt mức tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 4.069 tỷ đồng, tăng 25,15%. Mặc dù tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng phát triển năng lượng tái tạo vẫn là một điểm sáng. Trong năm có 3 dự án điện gió, tổng công suất 126,2 MW hoàn thành, đi vào hoạt động, nâng tổng số trên toàn huyện 13 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 503 MW; có 2 dự án, công suất 150 MW đang tiếp tục triển khai. Ngoài ra, có 493 khách hàng lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 60.363 KW. Huyện cũng đã xét công nhận 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và phát triển các sản phẩm đặc thù chế biến từ nho, táo, thịt cừu và măng tây xanh.
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong điều kiện nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2021 huyện đã nỗ lực duy trì 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba vì đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng huyện đạt chuẩn NTM. Trong năm, huyện công nhận 2 thôn Thành Tín, Từ Tâm 1 (xã Phước Hải) đạt chuẩn NTM; xã Phước Thuận được tỉnh công nhân đạt chuẩn NTM nâng cao. Đến nay toàn huyện có 26 hợp tác xã và 78 tổ hợp tác hỗ trợ nông dân sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân trong điều kiện dịch COVID-19. Kịp thời xử lý, phong tỏa các ổ dịch, bóc tách các F0, thí điểm điều trị F0, cách ly F1 tại nhà. Hiện nay huyện đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin để sớm tạo được miễn dịch cộng đồng, ổn định sản xuất, đời sống sinh hoạt của người dân trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Tính đến nay, toàn huyện đã tổ chức tiêm phòng 11 đợt với hơn 91.000 người được tiêm vắc xin, đạt tỷ lệ 98% đối với người thuộc diện tiêm; có 40.000 người đã tiêm đủ 2 mũi (đạt trên 40%). Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát cộng đồng để nâng cao ý thức phòng dịch hiệu quả, đảm bảo không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng. Nhằm hỗ trợ người lao động, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP huyện đã thực hiện chi trả hơn 21 tỷ đồng cho các đối tượng bị ảnh hưởng.
Trong năm 2022, huyện Ninh Phước đặt ra mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch COVID-19; thực hiện chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của huyện, lấy nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo là động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; đảm bảo quốc phòng - an ninh; nâng cao chất lượng huyện NTM và thực hiện lộ trình xây dựng thị trấn Phước Dân đạt chuẩn đô thị loại IV, đưa diện mạo quê hương Ninh Phước ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày một ấm no, hạnh phúc.
Anh Tuấn