Là xứ sở của nắng và gió, có nhiều lợi thế để phát triển NLTT, Ninh Thuận đã chọn lối đi riêng phù hợp, hướng tới trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia. Với những tiềm năng và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, Ninh Thuận là vùng “đất lành” của nhiều dự án năng lượng sạch quy mô lớn. Đặc biệt, sau khi có chính sách của Chính phủ về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời, điện gió tại Việt Nam và Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2023, Ninh Thuận đã tạo ra sự bứt phá về phát triển các dự án NLTT.
Một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực phát triển NLTT trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn Trung Nam, với 2 dự án điện gió và 2 dự án điện mặt trời tổng công suất 852,15 MW. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, Phó Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết: Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng các dự án cũng vượt qua khó khăn hoàn thành được kịp thời tiến độ. Theo đúng cam kết đầu tư, chúng tôi đã hoàn thành xây lắp, đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Điện gió Phước Hữu Duyên Hải 1 và duy trì hiệu quả hoạt động của 3 nhà máy với sản lượng cung ứng lên lưới điện quốc gia năm 2021 hơn 2 tỷ kWh điện, nộp ngân sách nhà nước hơn 370 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 340 lao động, góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà.
Tổ hợp điện gió, điện mặt trời Trung Nam. Ảnh: T.N
Trong năm 2021, việc phát triển các dự án năng lượng mới trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, nhiều dự án điện gió đang khẩn trương xây lắp, chạy nước rút để “về đích” trước ngày 1-11-2021 để được hưởng giá bán điện ưu đãi theo Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng quá trình thực hiện, từ việc nhập khẩu thiết bị, tổ chức thi công, lắp ráp, mời chuyên gia nước ngoài sang vận hành thử nghiệm và tổ chức nghiệm thu đều gặp khó khăn làm chậm tiến độ so với dự kiến. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, các sở, ngành, địa phương liên quan của tỉnh đã tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các dự án đẩy nhanh tiến độ.
Đồng chí Phan Tấn Cảnh, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án; tháo gỡ kịp thời các vấn đề khó khăn vướng mắc phát sinh. Trong tình hình dịch bệnh, hỗ trợ các chủ đầu tư điều kiện phòng, chống dịch theo phương án “3 tại chỗ”, xét nghiệm, cấp phép cho phép người lao động, các chuyên gia vào làm việc tại các dự án thuận lợi, an toàn.
Chính vì vậy, trong khó khăn nhưng 8 dự án đã kịp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại, trong đó có 7 dự án phát điện lên lưới đạt 100% công suất, kịp hòa lưới điện quốc gia để hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ, nâng tổng số dự án điện hoàn thành trong năm 2021 lên 14 dự án với tổng công suất 648 MW, trong đó có 447 MW đã hoàn thành thủ tục đấu nối, phát điện lên lưới quốc gia. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đưa vào hoạt động trên 40 dự án điện mặt trời và 11 dự án điện gió, với tổng công suất hơn 2.930 MW; sản lượng điện năm 2021 đạt 6,3 tỷ kWh, tăng 37% so với năm 2020.
Sự phát triển mạnh mẽ và ổn định của các dự án NLTT đã đưa Ninh Thuận vươn lên như một điểm sáng của cả nước về vượt khó, trong phát triển kinh tế. Chính sự bứt phá của lĩnh vực công nghiệp năng lượng đã tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ, tích cực về cơ cấu kinh tế ngành nghề, đem về nguồn thu lớn cho ngân sách. Trong năm 2021, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt tăng 9%; tổng thu ngân sách ước đạt 3.907 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch năm; cơ cấu ngành công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất với 38,2%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 29.920 tỷ đồng, vượt 12,9%.
Trong khi nhiều địa phương phía Nam phải giãn cách xã hội kéo dài, nhiều lao động bị mất việc, ngừng việc, thì tại các dự án năng lượng của tỉnh Ninh Thuận, người lao động vẫn được đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định với mức lương khá so với mặt bằng tại địa phương. Chị Kim Thị Quyến, công nhân Nhà máy Điện mặt trời BIM 2 cho biết: Hơn 3 năm làm việc tại nhà máy, mức lương hiện tại của tôi là 5,3 triệu đồng/tháng. Trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, công ty cũng quan tâm hỗ trợ phần ăn, chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn để sản xuất. Trong giai đoạn tình hình dịch căng thẳng nhất, công ty vẫn duy trì hoạt động, tạo điều kiện cho công nhân làm việc có thu nhập ổn định. Đó là điều tôi cảm thấy rất an tâm, hài lòng và hạnh phúc.
Xác định phát triển năng lượng là khâu đột phá, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo đòn bẩy để đưa Ninh Thuận “cất cánh”, quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm NLTT, năng lượng sạch. Năm 2022, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án NLTT đang triển khai, phấn đấu hoàn thành hòa lưới 10 dự án, 471 MW và khởi công 9 dự án 699 MW. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 21.450 MW điện với sự đa dạng các loại nguồn điện mới như điện khí LNG, điện gió ngoài khơi, điện tích năng, tỉnh đang tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư để hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2021 đầy khó khăn đã qua đi, chào xuân mới 2022 với những niềm tin, hy vọng và sức bật mới. Những khó khăn, thách thức càng tôi luyện thêm tinh thần, ý chí quyết tâm. Ninh Thuận với hướng đi đúng, hành động mạnh mẽ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng của quốc gia trong tương lai không xa.
Mai Phương