Đã 53 năm Bác đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, chúng ta vẫn văng vẳng đâu đây tiếng thơ xuân của Bác, như lời Tổ quốc vọng về non sông, vừa sâu thẳm, trầm hùng, tha thiết, vừa tràn đầy khí thế của dân tộc, của thời đại, tạo nên âm vang kỳ diệu cho chúng ta vững bước tương lai.
Trong suốt cuộc đời mình, Bác đã viết 19 bài thơ chúc Tết, bắt đầu từ bài Mừng xuân 1942 và kết thúc là bài Mừng xuân 1969. Tất cả 19 bài thơ xuân của Người được viết ra trong một thời kỳ lịch sử đầy sóng gió của cách mạng, nhưng với một tinh thần lạc quan, cảm hứng xuân dào dạt, Bác đã khai bút đầu xuân bằng những lời giản dị, gần gũi, tạo nên cảm giác ấm áp, tươi trẻ, tràn đầy sức sống.
Ngay từ mùa xuân 1942, khi cách mạng còn trong trứng nước, Bác đã làm thơ chúc Tết quốc dân, đồng bào, mang một cảm hứng xuân phơi phới, tràn đầy niềm tin:
“…Chúc toàn quốc ta trong năm này
Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới!
Năm này là năm Tết vẻ vang,
Cách mệnh thành công khắp thế giới”
(Thơ chúc Tết Nhâm Ngọ - 1942)
Lần đầu tiên hình ảnh “Cờ đỏ sao vàng” trong thơ Bác như một biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như một niềm tin trên hành trình của Tổ quốc đi đến tương lai. Bài thơ như một lời dự báo cách mạng để hơn 3 năm sau, cờ đỏ sao vàng rợp trời thu tháng Tám, đã đổi đời cho cả dân tộc.
Những mùa xuân kháng chiến tiếp theo cũng tràn đầy niềm tin như thế, bởi đây là niềm tin vào sức mạnh Nhân dân - sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
“…Toàn dân đoàn kết
Cả nước dốc một lòng
Thống nhất chắc chắn được
Độc lập quyết thành công”
(Thơ chúc Tết Mậu Tý - 1948)
Đó là cảm hứng xuân truyền thống của dân tộc nhưng mang hơi thở thời đại mới. Bác - Người chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam lúc nào cũng ung dung, chủ động nắm chắc chiến thắng trong tay. Đó là nét đặc sắc làm nên cảm hứng xuân thời đại hòa quyện với dân tộc trong thơ chúc Tết của Bác. Vì thế, bài ca xuân thành bài ca chiến thắng “Tin mừng thắng trận nở như hoa” (Mừng xuân 1967), hay lời chúc Tết thành tiếng lệnh truyền “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” (Mừng xuân 1968).
Mừng xuân 1969 - bài thơ chúc Tết cuối cùng Bác để lại cho chúng ta, là lời khẳng định chiến thắng vẻ vang, là hình ảnh một mùa xuân thống nhất:
“…Năm qua thắng lợi vẽ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên!
Chiến sĩ đồng bào!
Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”
Bài thơ như lời tiên tri cách mạng và điều này đã trở thành sự thật lịch sử trong mùa xuân đại thắng 1975 - Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, như điều mong ước thiết tha nhất của Người.
19 bài thơ xuân của Bác ngân vang, sâu lắng trong giai điệu mùa xuân đất nước, của thời đại mới và trong Bản giao hưởng mùa xuân đó, có sự hài hòa, cộng hưởng giữa Ý ĐẢNG VÀ LÒNG DÂN.
Bác Hồ - Người nhạc trưởng vĩ đại cất lên tiếng thơ xuân đầu tiên thì cả Đoàn giao hưởng dân tộc hòa theo thành khúc ca xuân của thời đại. Và đó chính là điều sâu thẳm nhất trong tim của Người còn vang vọng mãi hôm nay và mai sau.
Những vần thơ xuân của Bác là những vần thơ THÉP, nhưng cũng là vần thơ TÌNH, đã thôi thúc, đồng hành cùng chúng ta vũng bước vào cuộc trường chinh mới, bởi bên chúng ta lúc nào cũng luôn có Bác và hình ảnh, lời dạy của Người in sâu thẳm trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Nguyễn Minh Hiếu