Không biết tục mừng tuổi ra đời từ bao giờ, nhưng nó đã được lưu truyền từ nhiều đời nay, mừng tuổi đã trở thành thông lệ mỗi dịp đầu năm mới, là nét văn hóa độc đáo, là bản sắc trong truyền thống của dân tộc Việt.
Mừng tuổi ngày Tết hay còn gọi lì xì vào ngày đầu năm mới là nét đẹp văn hóa. Tùy theo mỗi nhà, số tiền mừng tuổi được chuẩn bị sẵn trong mỗi phong bao lì xì là khác nhau, có thể là tiền lẻ hoặc tiền chẵn. Và ý nghĩa cũng không nằm ở số tiền nhiều hay ít tiền mà tục lì xì tượng trưng cho tài lộc đầu năm. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, tấn tới, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn… Còn con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong lì xì đỏ thắm để chúc sức khỏe và trường thọ. Tương tự như vậy, khi khách đến thăm nhà vào những ngày tết cũng không quên mừng tuổi cho con cháu của gia chủ, kèm theo lời chúc đầu năm, đồng thời đón nhận lại những lời chúc sức khỏe, may mắn, phát đạt. Phong bao lì xì màu đỏ thắm cũng mang nhiều ý nghĩa cát tường bên trong đó. Chúng tượng trưng cho sự bình an, chu đáo và thuận lợi trong cuộc sống. Bao lì xì thường có màu đỏ mà theo quan niệm của người phương Đông thì màu đỏ chính là màu của cát tường. Ngoài ra, phong bao lì xì còn mang ý nghĩa tài lộc và may mắn. Qua đây chúng ta có thể thấy tục mừng tuổi có một ý nghĩa vô cùng tốt đẹp. Những giá trị tốt đẹp đó vẫn lưu truyền trong phong tục từ xưa đến nay.
Ảnh minh họa.
Ngày nay khi cuộc sống đã đủ đầy, tục mừng tuổi không còn giữ nguyên “khuôn khổ” quy tắc và đã có sự sáng tạo thêm dưới nhiều hình thức. Đó là, việc mừng tuổi không còn bó hẹp trong 3 ngày tết mà có thể diễn ra trước và sau tết một số ngày. Bao lì xì cũng vậy, với đa dạng kiểu dáng, màu sắc: đỏ, vàng, xanh...Và nhất là việc mừng tuổi thế nào cho phù hợp, mừng bao nhiêu là đủ. Người cho rằng giờ cuộc sống khấm khá hơn, mừng tuổi cũng phải “tươi” lên một chút. Người khác lại nghĩ chỉ nên mừng một chút gọi là lấy may, đừng nên nặng nề về số tiền. Thực tế có không ít những tình huống làm khó xử cho cả bên tặng và bên nhận vì chuyện mừng ít, mừng nhiều; ít thì thấy ngại vì người ta mừng cho con mình nhiều, còn nhiều thì thấy bản thân phải cố quá; rồi quan niệm người mừng sau phải nhiều hơn người mừng trước... Có những ông bố, bà mẹ còn dạy con gợi ý tiền mừng tuổi từ khách, làm khách buộc phải mừng tuổi; vô tư để trẻ bóc bao lì xì ngay trước mặt khách, thấy tiền ít tỏ thái độ không vui hoặc so sánh với người này, người khác...
Thiết nghĩ, việc mừng nhiều hay mừng ít không quan trọng miễn là thấy phù hợp và thoải mái trong lòng, quan trọng là cách chúng ta trao gửi yêu thương cho những người xung quanh như thế nào. Người xưa để tiền mừng tuổi trong bao lì xì đỏ chứa đựng rất nhiều sự tinh tế. Không chỉ vì màu đỏ tượng trưng cho thịnh vượng và may mắn, tài lộc mà còn bởi tính kín đáo, không muốn có sự so bì về số tiền bao nhiêu ở trong dẫn đến những sự không vui trong ngày tết. Thay vì đưa trực tiếp tờ tiền như cách mà một số người vẫn làm, chúng ta hãy nên cho những số tiền ấy vào bao lì xì, vừa đẹp, vừa kín đáo, tế nhị. Người lớn cũng cần dặn dò con trẻ không nên mở phong bao lì xì ngay khi vừa được tặng vì đây là hành động thiếu tôn trọng người khác, bị đánh giá coi trọng vật chất hơn là tình cảm.
Mừng tuổi đầu năm mới là phong tục đẹp, thể hiện sự yêu trẻ, kính già và ước mong một năm mới thuận lợi, may mắn. Để giữ mãi nét đẹp văn hóa vốn có phong tục mừng tuổi, rất cần cởi bỏ đi những đắn đo nặng nhẹ về vật chất mà chú ý đến tính biểu trưng của nó, để người tặng và người nhận đều cảm thấy thoải mái, vui vẻ trong năm mới. Có như vậy, văn hoá mừng tuổi đầu xuân sẽ được gìn giữ để trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt.
Tân Phương