Nỗ lực hoàn thành “mục tiêu kép”

Bài 2: Đảm bảo an sinh, duy trì đà phát triển

Với mục tiêu vừa phòng dịch an toàn, vừa đảm bảo an sinh xã hội, tỉnh ta đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Mặt khác hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, tiếp tục duy trì đà phát triển đạt mức tăng trưởng cao so với cả nước.

Không ai bị bỏ lại phía sau

Dịch COVID-19 đã làm cho đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn, tác động đến hầu hết các lĩnh vực đời sống xã hội. Nhằm hỗ trợ duy trì đảm bảo an sinh xã hội, toàn tỉnh đã triển khai 12 chính sách đã hỗ trợ cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành chức năng có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện đúng các bước của quy trình, quy định để kịp thời thực hiện các chính sách mà Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đề ra, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không xảy ra tiêu cực. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 90 tỷ đồng cho 64.484 lượt người dân theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và chi gần 62 tỷ đồng cho 25.382 lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, chi hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19 cho 31.351 lao động với số tiền gần 47 tỷ đồng.

Lực lượng vũ trang tỉnh tổ chức "Gian hàng 0 đồng" hỗ trợ người dân vùng dịch gặp khó khăn.

Từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, UBND tỉnh đã kịp thời tổ chức tiếp nhận 577,2 tấn gạo cứu trợ của Chính phủ, cấp phát cho 9.752 hộ, với 38.457 nhân khẩu. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thông qua Ban liên lạc đồng hương tỉnh tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ trực tiếp cho gần 2.500 công dân Ninh Thuận đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố phía Nam gặp khó khăn trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội. Tỉnh cũng đã tổ chức đón trên 10.000 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về tỉnh, tổ chức cách ly, theo dõi y tế đảm bảo theo đúng quy định; nhất là hỗ trợ đón trên 240 công dân là phụ nữ mang thai sắp sinh, phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi và người đi khám, điều trị bệnh bị kẹt tại TP. Hồ Chí Minh trở về tỉnh. Từ các nguồn Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Phòng, chống COVID-19 của tỉnh, các địa phương đã hỗ trợ trên 2.500 suất quà cho các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, thông qua Quỹ cứu trợ phòng, chống COVID-19 do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý, đã hỗ trợ tiền ăn cho người dân không có khả năng chi trả khi bị cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19; Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp với các tổ chức thành viên, nhóm thiện nguyện, tổ chức, cá nhân vận động tổ chức “Gian hàng 0 đồng”, bếp ăn từ thiện, bữa cơm miễn phí; hỗ trợ hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân và lực lượng tham gia tại các khu cách ly, khu phong tỏa, vùng bị giãn cách trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị trên 22 tỷ đồng. Để có nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng đã phát động Nhân dân ủng hộ 70,9 tỷ đồng, trong đó tiền mặt 25,1 tỷ đồng, hiện vật 45,8 tỷ đồng... Tất cả đó, đã lan tỏa những tấm lòng vì cộng đồng, cùng chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Duy trì đà tăng trưởng

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để tăng cường công tác phòng, chống dịch và ổn định sản xuất tại các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống dịch, duy trì và ổn định sản xuất. Đã có nhiều DN, cơ sở sản xuất thực hiện các mô hình vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn chống dịch “3 tại chỗ”, đảm bảo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Thực hiện ‘3 tại chỗ’ DN đã tiến hành đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo đúng quy định, hướng dẫn và yêu cầu của cơ quan chức năng. Chúng tôi ý thức được rằng “sản xuất phải thật an toàn mới tạo sự phát triển bền vững” nên vận động công nhân chấp hành tốt các yêu cầu phòng dịch. Ngoài kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe, sát khuẩn các đối tượng và phương tiện khi vào khu sản xuất, DN còn mua thiết bị test nhanh tự xét nghiệm cho cán bộ và công nhân. Khi đảm bảo không có nguy cơ mang mầm bệnh mới được vào khu sản xuất. Nhờ vậy hơn 1.500 công nhân tại nhà máy vẫn đảm bảo an toàn. DN duy trì sản xuất đáp ứng hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu theo đúng hợp đồng đã ký kết, giao đúng hẹn, tạo doanh thu ổn định trong thời gian giãn cách phòng, chống dịch.

Một góc khu Resort Long Thuận được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Văn Nỷ

Tại công trình trọng điểm Cảng biển tổng hợp Cà Ná, Công ty Cổ phần cảng quốc tế Trung Nam Cà Ná đã thực hiện nghiêm “3 tại chỗ” đối với gần 400 kỹ sư, công nhân tại công trường để đẩy nhanh tiến độ ngay trong cao điểm giãn cách để phòng, chống dịch. Với nỗ lực tổ chức thi công ngày đêm gắn với an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đến nay dự án Cảng biển tổng hợp quốc tế Cà Ná đã hoàn thành được trên 95% khối lượng công việc. Theo ông Trần Đức Xuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, hiện các đơn vị nhà thầu đang tập trung thi công, hoàn thiện những hạng mục cuối cùng để hoàn thành đưa vào vận hành kỹ thuật bến cảng 1A vào đầu năm 2022 theo đúng tiến độ đề ra. Chạy đua với thời gian, các dự án điện gió đã chủ động phương án thi công, nhập thiết bị, đón chuyên gia nước ngoài, thực hiện nghiêm nguyên tắc phòng dịch “1 cung đường, 2 điểm đến” để đẩy nhanh tiến độ giai đoạn nước rút, đưa 8 dự án điện gió mới kịp hoàn thành, nối lưới trước thời hạn 30-10 để hưởng giá bán điện ưu đãi của Chính phủ…

Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của cộng đồng DN, doanh nhân, trong thời gian qua tỉnh đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; duy trì và thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội và chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Kết quả, trong năm 2021, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9% so với năm trước, mức tăng cao thứ 4 của cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; trong đó, ngành Công nghiệp tăng 38,06%, với sản xuất điện là đầu tàu phát triển, sản xuất và phân phối điện tiếp tục là điểm sáng của toàn ngành với mức tăng 43,11%.

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
Bài cuối: Cần nhiều nỗ lực trong chặng đường mới