Thuận Bắc là huyện miền núi nằm ở phía Bắc của tỉnh, toàn huyện có trên 43.000 người, trong đó tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 63%. Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai khô cằn lại thường xuyên xảy ra hạn hán, nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhận diện thực tế trên, năm 2021, huyện tiếp tục xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình hộ nghèo, xây dựng các giải pháp thực hiện sát với thực tế ở từng địa bàn.
Nông dân xã Lợi Hải chăm sóc bắp lai.
Cách làm hay, sáng tạo của huyện Thuận Bắc, đó là các thành viên nằm trong Ban Chỉ đạo giảm nghèo của huyện luôn bám sát cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và điều kiện sản xuất thực tế ở mỗi gia đình, từ đó phân bổ các nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình, dự án sinh kế giảm nghèo phù hợp. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các hội, đoàn thể địa phương đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc định hướng, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Bắc, cho biết: Để đạt được chỉ tiêu giảm nghèo trong hội viên nông dân, hằng năm, Hội đều tham mưu cho UBND huyện thống nhất lựa chọn mô hình thực hiện, đảm bảo đem lại hiệu quả cao nhất. Từ đầu năm tới nay, Hội tiến hành thẩm định và giải ngân 6 dự án từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương, của tỉnh, với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng cho khoảng 100 hộ ở các xã Bắc Sơn, Lợi Hải, Phước Chiến chăn nuôi heo đen theo chuỗi giá trị; mô hình nuôi bò vỗ béo, gà thả vườn, trồng cây đinh lăng. Các mô hình hỗ trợ bước đầu đem lại hiệu quả đáng mừng, tạo điều kiện giúp các hộ hưởng lợi vươn lên thoát nghèo.
Để cụ thể hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Thuận Bắc đã quy hoạch để phát triển ổn định cây trồng, vật nuôi theo hướng thích nghi trong điều kiện thời tiết nắng hạn. Đến nay, tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đạt trên 350 ha; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp như: Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa, mô hình trồng cây ăn trái, sản xuất cánh đồng lớn, trồng măng tây xanh, cây nha đam... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, vấn đề giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất; hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo vay vốn đầu tư phát triển kinh tế được quan tâm, chú trọng, khuyến khích các hộ nghèo đẩy mạnh sản xuất, tăng thu nhập. Chị Katơr Mít, ở thôn Đá Mài Dưới, xã Phước Kháng, chia sẻ: Năm 2017, gia đình tôi được nhà nước cấp cho 1,2 sào đất và được Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng, tận dụng nguồn nước từ hồ Bà Râu, tôi trồng 1 sào đậu ván và chăn nuôi 2 con bò sinh sản. Từ trồng trọt và chăn nuôi, giúp gia đình có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Song song với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, với lợi thế về nguồn lao động (LĐ) dồi dào, công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2021, huyện phối hợp với ngành chức năng đào tạo nghề cho 80 LĐ nông thôn; nhờ đó, nhiều học viên sau khi hoàn thành khóa học đã áp dụng thành thạo kiến thức vào thực tiễn, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi; đồng thời, giới thiệu và giải quyết việc làm cho 553 LĐ. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển giáo dục, y tế, nhà ở... được quan tâm, thực hiện đầy đủ, tạo bước đột phá mới trong quá trình giảm nghèo ở địa phương.
Nhằm đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3% trong năm 2022, huyện Thuận Bắc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức, vươn lên xoá đói, giảm nghèo bền vững; triển khai đảm bảo các dự án, chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo và giải quyết việc làm, chú trọng xuất khẩu LĐ. Nâng cao hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội; góp phần nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Hồng Lâm