Tổng đàn gia súc của huyện Thuận Nam hiện có khoảng 90.700 con; trong đó, đàn bò trên 18.800 con, dê hơn 31.000, cừu hơn 36.680 con và heo trên 4.200 con. Đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Nam cho biết: Để giúp người dân ngày càng tiếp cận hướng chăn nuôi mới, huyện đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang chăn nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ, hoa màu để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, chú trọng cải tạo giống thông qua các đề án bò đực giống lai sind, heo siêu nạc. Bên cạnh đó, huyện còn vận động người dân tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu vỗ béo và sinh sản; khuyến khích người dân đầu tư phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi.
Từ những định hướng thiết thực đã giúp nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn có thêm điều kiện đầu tư phát triển đàn gia súc. Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành được 13 trang trại chăn nuôi gia súc với quy mô lớn và hàng chục trang trại vừa và nhỏ, 6 trang trại tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt. Điều đáng ghi nhận là, các hộ chăn nuôi không chỉ áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, đầu tư xây dựng chuồng trại thoáng mát, đảm bảo sức khỏe cho đàn gia sức, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguôn thức ăn, nước uống và cách phòng dịch bệnh hiệu quả. Điển hình như hộ ông Báo Nùng, thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, từ 3 con bò ban đầu, đến nay gia đình ông đã phát triển được 10 con bò. Ông Nùng cho biết: Trong điều kiện đồng cỏ tự nhiên ngày càng thu hẹp, nếu chăn thả thì không đủ thức ăn, bò phát triển kém, chính vì vậy ngoài tận dụng các phụ phẩm từ rơm, rạ, thân cây bắp sau khi thu hoạch, gia đình còn dành 5 sào đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc và thực hiện các biện pháp phòng dịch nên đàn bò phát triển tốt.
Gia trại chăn nuôi của gia đình ông Báo Nung, thôn Văn Lâm 4, xã Phước Nam (Thuận Nam)..
Tuy nhiên, ngoài những điều kiện thuận lợi thì việc chăn nuôi của huyện còn gặp phải một số khó khăn như phần lớn người dân chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn thả tự do, thức ăn chủ yếu phụ thuộc vào đồng cỏ tự nhiện, nhất là vào mùa nắng hạn, lượng cỏ không đủ cung cấp cho đàn gia súc, nên dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng; người dân chưa chú trọng đến đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống kém chất lượng do bị thoái hóa và trùng huyết; công tác phòng, dịch bệnh áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi chưa được chú trọng dẫn đến năng suất, chất lượng đàn giảm sút.
Để tháo gỡ những khó khăn trên, theo đồng chí Khưu Lê Khắc Trí, trong thời gian tới, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương quy hoạch phát triển các vùng trồng cỏ. Tập trung cải tạo đàn gia súc nhằm nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng lai tạo giống có giá trị cao như bò lai sind, bò Úc... gắn với phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn và bền vững. Tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, kỹ thuật trồng cỏ, cách chế biến thức ăn cho gia súc. Tiếp tục nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả như: Mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu sinh sản và vỗ béo; tổ chức chăn nuôi theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Tiến Mạnh