Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, nông dân trồng nho gặp không ít khó khăn, nhất là sau những trận mưa của cuối tháng 11 vừa rồi. Song, vẫn có một số diện tích nho ứng dụng mô hình sản xuất thích ứng với sự thay đổi của thời tiết và mang lại hiệu quả kinh tế cao cần được nhân rộng. Nổi bật là mô hình trồng nho trong nhà màng có mái che mưa kết hợp với kiểu giàn chữ Y và tưới nước tiết kiệm. Khi cây nho được trồng trong nhà màng sẽ dễ quản lý sâu bệnh, tưới nước tiết kiệm, ít sử dụng phân, thuốc bảo vệ thực vật, lợi nhuận cao hơn. Hiệu quả càng rõ nét hơn khi Ninh Thuận vừa chịu ảnh hưởng của mưa kéo dài trên diện rộng, nhiều diện tích nho gần như mất trắng, bệnh xuất hiện phổ biến và ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây.
Mô hình trồng nho trong nhà giàn chữ Y có mái che của Viện Nghiên cứu Bông
và Phát triển nông nghiệp Nha Hố. Ảnh: Phan Bình
Hiện nay, mô hình trồng nho trong nhà màng có mái che mưa kết hợp với kiểu giàn chữ Y, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm đang được Viện chuyển giao cho nông dân trồng nho trong tỉnh. Các hộ nông dân áp dụng mô hình bước đầu đều thành công, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và thương hiệu nho Ninh Thuận, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng CNC mà các địa phương đang hướng tới. Hệ thống nhà màng giúp hạn chế tối đa côn trùng, bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất thuận của thời tiết. Hệ thống nước tưới tiết kiệm là phương pháp hiệu quả giúp cây nho hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước. Nếu như trước đây chưa làm nhà màng, vào mùa mưa hầu hết diện tích nho bị các loại bệnh hại tấn công, nhất là bệnh thán thư, với việc trồng nho có nhà màng đã hạn chế được tác động bất lợi của các đợt mưa kéo dài, cây nho vẫn phát triển bình thường.
Vì thế, trong thời gian tới chính quyền địa phương cần quan tâm và có những chính sách hỗ trợ phù hợp để từng bước chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng nho có mái che mưa kết hợp kiểu giàn chữ Y và hệ thống tưới nước tiết kiệm vào sản xuất; trước mắt, tập trung và ưu tiên những giống nho ăn tươi có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh các sản phẩm nho nhập nội.
Thiết nghĩ, nông nghiệp Ninh Thuận vẫn là ngành trụ cột trong việc giữ vững phát triển kinh tế của tỉnh, nhằm phục hồi nền kinh tế sau ảnh hưởng dịch COVID-19 thì chủ lực vẫn là nông nghiệp, việc mạnh dạn ứng dụng và nhân rộng những mô hình nông nghiệp CNC vào sản xuất là rất cần thiết, nếu ngành Nông nghiệp phục hồi bình thường thì đời sống người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa khá lên, phục hồi nhanh hơn.
Công Kiên