Trên cơ sở các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu cho Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh chỉ đạo các huyện, sở, ban, ngành liên quan, các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp triển khai các nguồn vốn đến từng đối tượng thụ hưởng chính sách, giúp cho HN, HCN vùng đồng bào DTTS&MN có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống. Trong quá trình triển khai thực hiện, chính quyền địa phương thực hiện tốt cơ chế và chính sách cho vay đối với HN, HCN vùng đồng bào DTTS&MN. Thủ tục hành chính, quy trình, hồ sơ đảm bảo cho các hộ được tiếp cận vốn nhanh hơn, thuận lợi hơn và được niêm yết công khai tại UBND các xã. Công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động TDCS, các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác nói chung, tại vùng DTTS&MN nói riêng được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức đến các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân biết để thực hiện và giám sát. Việc đổi mới và đa dạng các hình thức truyền thông đã giúp người dân và các cấp, các ngành nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCS.
Người dân huyện Bác Ái vay vốn tín dụng chính sách sản xuất, chăn nuôi nâng cao thu nhập.
Đồng chí Pi Năng Thị Hốn, Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, cho biết: Qua giám sát của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, vốn TDCS đã giải quyết cho hơn 39.000 HN, HCN tại vùng đồng bào DTTS&MN vay vốn, với số tiền hơn 1.077 tỷ đồng, nguồn vốn đã góp phần giúp HN, HCN vùng đồng bào DTTS&MN góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội. Hầu hết hộ vay vốn TDCS đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, đáp ứng một phần cơ bản về nhu cầu thiết yếu đời sống vật chất và tinh thần. Cùng với các chính sách khác, nguồn vốn TDCS đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 7,21% so với cuối năm 2016; trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN đến cuối năm 2020 còn 16,18% so với số hộ là đồng bào DTTS&MN, giảm 16,97% so với cuối năm 2016; tỷ lệ hộ cận nghèo còn 13,11 % so với số hộ là đồng bào DTTS&MN, giảm 2,87% so với cuối năm 2016. Thông qua chính sách tín dụng của trung ương và nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh với số tiền là 55,8 tỷ đồng/2.339 tỷ đồng tổng nguồn vốn TDCS cho vay trên địa bàn tỉnh đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cuộc sống trong vùng đồng bào DTTS&MN như: Phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và dần nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, giúp HN, HCN vùng đồng bào DTTS&MN được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ, từng bước chuyển biến nhận thức, quen dần với việc đầu tư làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Đồng chí Pi Năng Thị Hốn, cho biết thêm: Để vốn TDCS tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN phát triển, giúp HN, HCN có vốn sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; Ban đã kiến nghị HĐND tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, nghiên cứu bổ sung đối tượng thụ hưởng chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình cho vay phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đối với hộ có mức sống trung bình; bổ sung đối tượng lao động thuộc hộ mới thoát nghèo được vay chương trình cho vay người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Kế hoạch số 59-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với TDCS trên địa bàn tỉnh. Tập trung, ưu tiên nguồn vốn dành cho vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025. Đồng thời đề nghị tiếp tục quan tâm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh hằng năm để cho vay HN, HCN và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt mức từ 6-8% tổng nguồn vốn TDCS cho vay trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng vùng đồng bào DTTS&MN và các chương trình tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào DTTS&MN; thường xuyên rà soát cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay có phương án sử dụng vốn vay đúng mục đích để đảm bảo nguồn vốn vay đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động TDCS tại vùng đồng bào DTTS&MN. UBND tỉnh sớm ban hành Đề án về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng chương trình, dự án, gắn đầu tư các mô hình kinh tế với nguồn vốn TDCS và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, đào tạo nghề để HN, HCN và các đối tượng chính sách khác tại vùng đồng bào DTTS&MN từng bước tiếp cận nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hộ dân trong việc sử dụng nguồn vốn TDCS có hiệu quả và trách nhiệm trong việc hoàn trả vốn vay.
Bình An