Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 69 sản phẩm của 19 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được UBND tỉnh cấp chứng nhận các sao OCOP, trong đó có 10 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 8 sản phẩm có tiềm năng 5 sao. Qua đó, cho thấy, ngành chuyên môn và chính quyền địa phương đã nỗ lực lớn trong việc triển khai chương trình đến người dân, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng tích cực đầu tư hiện đại hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra, để đạt các sao OCOP cấp tỉnh.
Thu hoạch dưa lưới sản xuất trong nhà màng, công nghệ cao tại Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ Tăng Trưởng Xanh
xã Phước Tiến, huyện Bác Ái (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: N.A.T
Điều dễ nhận thấy là, khi sản phẩm đạt chứng nhận các sao OCOP sẽ được nhiều khách hàng biết đến nên việc kinh doanh của chủ thể OCOP thuận lợi hơn, góp phần tăng thu nhập cho các chủ thể và người tiêu dùng cũng yên tâm khi chọn mua các sản phẩm đạt các sao OCOP.
Ông Tô Hữu Tân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nước mắm Cana, xã Phước Minh (Thuận Nam) chia sẻ: Nhờ chương trình OCOP mà nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm của công ty hơn, mặc dù có nhiều đối thủ cạnh tranh nhưng mỗi năm công ty vẫn tăng khoảng 2% sản lượng, bình quân tiêu thụ trên 5 triệu lít/năm, mạng lưới chi nhánh ngày càng mở rộng với 42 nhà phân phối toàn quốc. Sau khi sản phẩm nước mắm đạt 3 sao OCOP vào năm 2020, được người tiêu dùng đánh giá cao, công ty vừa đẩy mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường vừa kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí để nâng cao uy tín.
Cũng theo ông Tân, để nước mắm đạt chất lượng tốt nhất, công ty sản xuất theo quy trình khép kín và sử dụng công nghệ Nhật Bản. Từ việc đánh bắt nguồn cá cơm ngoài khơi cũng phải đúng vụ, vì khi đó cá có đủ vitamin, chất đạm cao. Qua nhiều công đoạn ủ, khoảng 24 tháng sau mới thu được thành phẩm là những chai nước mắm thơm, ngon, có hương vị đậm đà. Sau khi test đạt chất lượng 35-45 độ đạm, thì đến quá trình đóng chai cũng được kiểm định nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Định hướng năm 2022, công ty sẽ cố gắng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia, để ngày càng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và khẳng định các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Những năm gần đây, với sự xuất hiện của nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất và chế biến các sản phẩm từ cây nho, táo đã thổi “luồng gió” mới giúp cây trồng chủ lực của tỉnh được hồi sinh, nhiều sản phẩm như: Rượu nho, siro nho, nước ép nho, táo, táo sấy, nho sấy... đã thu hút được du khách, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo nền tảng để đưa sản phẩm nho, táo vươn tới những thị trường lớn.
Quy trình sản xuất rượu nho của Công ty TNHHSản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi
đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.
Với mong muốn tiếp tục nâng cao giá trị sản phẩm từ cây nho và táo, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Ba Mọi, ở xã Phước Thuận (Ninh Phước) đã đăng ký 7 sản phẩm dự thi và đã đạt chứng nhận 1 sản phẩm hạng 4 sao và 6 sản phẩm hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Đây được xem là cơ hội để các sản phẩm về nho, táo của công ty tiếp tục mở rộng hơn vào các đại lý, siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá hình ảnh thương hiệu nho, táo của tỉnh nhà. Chị Trần Ái Như, quản lý Công ty cho biết: Đặc sản của Ninh Thuận được nhiều người biết đến lâu nay là nho, táo. Nên việc nâng tầm thương hiệu cho nho, táo là một hướng đi cần thiết vì “lợi ích kép” mang lại rất lớn, vừa nâng cao giá trị sản phẩm, vừa có thương hiệu trên thị trường. Để đạt chuẩn chứng nhận OCOP, việc thu mua, chế biến các sản phẩm từ nho, táo tươi cho đến rượu nho, siro nho, táo sấy, nho sấy... của công ty đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Bạch Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Mục tiêu của Chương trình OCOP là nâng cấp, phát triển sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, mang tính đặc trưng, lợi thế của địa phương, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như phát triển các sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và tăng giá trị. Trước đây, khi chưa có Chương trình OCOP, những sản phẩm đặc trưng chưa được các địa phương chú trọng, sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Từ khi Chương trình OCOP được triển khai, nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được chú trọng sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường. Chương trình cũng là cơ hội để nông dân liên kết, hợp tác sản xuất sản phẩm có chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế tỉnh bền vững.
Hồng Nguyệt